Những quan niệm sai lầm về an toàn thực phẩm mùa hè

Thức ăn có thể để ở nhiệt độ thường trong vài giờ. Không phải, thời gian để đảm bảo an toàn không dài như bạn nghĩ. Theo đại diện của Viện Dinh dưỡng và chế độ ăn uống Hoa Kỳ, nếu nhiệt độ ngoài trời từ 32 độ C trở lên, thức ăn chỉ có thể giữ được trong một tiếng.

Còn nếu nhiệt độ trong khoảng từ 5 đến 32 độ C, giới hạn an toàn tối đa là 2 tiếng. Quá thời hạn đó, vi khuẩn gây bệnh bắt đầu sinh sôi, vì thế đừng tiếc mà hãy chế biến lại hoặc bỏ đi. Và thay vì mất thời gian theo dõi, hãy bảo quản thực phẩm đã chế biến ngay khi có thể.

- Đồ ăn thừa có thể để vài ngày trong tủ lạnh. Chính xác là 4 ngày. Thức ăn đã chế biến thường chỉ an toàn đến 4 ngày với điều kiện được bảo quản trong hộp kín để trong tủ lạnh. Vì vậy, bên ngoài hộp đựng, nên dán giấy ghi ngày bạn cất trữ để nhắc nhở thời hạn sử dụng.

- Ăn quả gọt vỏ không cần rửa. Không đúng, cho dù khi ăn phải bỏ vỏ, ta vẫn phải rửa sạch quả bơ, dưa chuột, dưa hấu… vốn rất phổ biến trong ngày hè này. Đơn giản là các con dao gọt vỏ có thể mang vi khuẩn như E. coli từ vỏ bên ngoài vào bên trong. Vì vậy, cần rửa sạch các loại quả này dưới vòi nước đang chảy trước khi lột vỏ hoặc cắt.

- Để thực phẩm đông lạnh ở ngoài cho tan dần ra. Đây không phải là biện pháp rã đông đúng cách. Nếu cứ để thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ trong phòng để mềm dần một cách tự nhiên, vi khuẩn sẽ nhân lên mức báo động. Vậy, cách làm đúng là thế nào? Hãy rã đông các loại thực phẩm bằng cách để ở ngăn mát qua đêm, cho vào lò vi sóng hoặc làm mát bằng nước bằng cách cho vào một túi bóng kín, ngâm trong nước ở nhiệt độ thường và cứ 30 phút thay nước một lần. Quan trọng là thực phẩm đã rã đông sau đó phải nấu ăn ngay.