Xây dựng và bảo vệ căn cứ cách mạng - Bài học lớn của An ninh Ninh Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

(NTO) Thực hiện đường lối chiến lược của Đảng, trong 2 cuộc kháng chiến, trên địa bàn tỉnh ta đã hình thành các chiến khu, căn cứ cách mạng: Chiến khu 19 (CK19), Chiến khu 25 (CK25), Chiến khu 7 (CK7), Chiến khu 22 (CK22), Chiến khu 35 (CK35), Căn cứ Cà Đú… tạo thế và giữ thế cho cách mạng tiến lên giành thắng lợi.

Chiến đấu ở một chiến trường hết sức gian khổ, ác liệt, xa sự lãnh đạo của Trung ương và Trung ương Cục, sự chi viện cho Ninh Thuận rất khó khăn, địch lại tập trung quân chốt giữ, phong tỏa, kìm kẹp nhằm bảo vệ địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Từ vị trí, đặc điểm ấy, việc xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng được coi là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi mọi hoạt động chiến đấu của lực lượng An ninh (LLAN) Ninh Thuận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thực tiễn đã chứng minh trong chặng đường dài 21 năm kháng chiến, trong mỗi thời kỳ, trong từng chiến lược chiến tranh, địch đã có nhiều âm mưu, thủ đoạn đánh phá theo từng cấp độ khác nhau đối với vùng căn cứ miền núi của tỉnh, nhưng tựu trung lại, âm mưu của chúng là: tìm mọi cách đánh phá phong trào cách mạng một cách quyết liệt, thọc sâu vào căn cứ của ta bằng các hoạt động tập kích, biệt kích, càn quét. Song song với các hoạt động quân sự, chúng tăng cường các hoạt động gián điệp, do thám nhằm thu thập tin tức tình báo, nắm tình hình. Đặc biệt, địch chú ý lợi dụng những người có quan hệ hai vùng để tổ chức loại gián điệp con thoi dò la nắm tình hình ở vùng giáp ranh, những vùng tranh chấp, cài cắm cơ sở, làm bàn đạp móc ráp bọn tay chân còn nằm lại trong vùng căn cứ. Mặt khác chúng ra sức hoạt động phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lý, dùng vật chất mua chuộc nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ giữa cán bộ và nhân dân, xuyên tạc đường lối, chính sách cách mạng, xuyên tạc phong trào tự quản của ta. Đồng thời dùng chất độc hóa học, bao vây phá hoại kinh tế biến căn cứ thành vùng trắng không còn sự sống. Trong bối cảnh ấy, phát động quần chúng ý thức bảo mật phòng gian, bóc gỡ mạng lưới bí mật của địch, làm trong sạch địa bàn, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng và tấn công địch để bảo vệ ta là yêu cầu sống còn của lực lượng cách mạng, trong đó LLAN giữ vai trò nòng cốt.

 
Đồng bào cắm chông bố phòng đánh giặc.

Được sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, LLAN đã dựa vào nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc, bảo vệ căn cứ. Phong trào “Phòng gian bảo mật ” đã được phát động rộng rãi trong nhân dân, bắt đầu bằng các hình thức “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phương châm 3 không “không nghe, không biết, không thấy” để bảo vệ cán bộ cách mạng, về sau tiếp tục đẩy lên một bước mới, các xã, ấp đều xây dựng được nội quy, quy ước bảo vệ bí mật và được đồng bào nghiêm túc thực hiện, giúp ta nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với các loại do thám, gián điệp của địch tung lên vùng căn cứ.

Thông qua việc phát động và thực hiện phong trào “Phòng gian bảo mật” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng An ninh đã phát hiện những nhân tố trung kiên, kèm cặp đào tạo từng bước, từng cán bộ dân tộc thiểu số biết cách làm công tác an ninh. Nhiều đồng chí hoạt động tích cực, phát huy hiệu quả như Trưởng An ninh xã Phước Kháng đã làm tốt công tác phát động phong trào xây dựng và bảo vệ an toàn vùng căn cứ.

Đặc biệt năm 1962, sau khi Ban An ninh tỉnh và Ban An ninh 2 huyện căn cứ (Bác Ái, Anh Dũng) được thành lập, nhằm làm trong sạch địa bàn vùng căn cứ, LLAN đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, lên danh sách và phân loại tề, điệp. Thông qua công tác này ta đã phát hiện, bóc gỡ nhiều đối tượng là mạng lưới bí mật của địch, hạn chế việc thu thập thông tin phục vụ đánh phá căn cứ cách mạng.

Đồng thời công tác quản lý, cải tạo tề, ngụy được đẩy mạnh. Đối với số trong diện quản chế, hàng tháng được đưa ra kiểm điểm giáo dục trước quần chúng, kết hợp với giao trách nhiệm cho gia đình quản lý. Nhiều trường hợp trong số này đã cải tạo tốt và góp phần cùng nhân dân xây dựng căn cứ, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Tăng gia sản xuất” “Học văn hóa” “Phòng gian bảo mật” bảo vệ an toàn vùng căn cứ, vùng hành lang và các cơ quan đầu não của tỉnh, huyện. Nhờ vậy ta đã kịp thời phá vụ án gián điệp tại Phước Tân (cũ) bắt tên Jang Ngheo và đồng bọn gồm 20 tên hoạt động trên các địa bàn thôn Tà Lọt, Ha Ma Gia, Gia Nha thuộc xã Phước Bình. Cuối năm 1965, LLAN tỉnh đã thành lập 2 trại giam tại vùng căn cứ. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về lương thực, địch lại càn quét đánh phá ác liệt, song nhờ tinh thần khắc phục khó khăn, LLAN tỉnh đã làm tốt công tác giam giữ, khai thác, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Để chống âm mưu địch tăng cường hoạt động cài cắm người vào nội bộ, Ban An ninh tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác “bảo vệ nội bộ”. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị học tập nâng cao cảnh giác cách mạng; tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, nội bộ. Nhiều đơn vị thông qua việc học tập để xây dựng, bổ sung, chấn chỉnh các nội quy, quy ước bảo vệ an ninh nội bộ. Kịp thời phát hiện, giáo dục những cán bộ, nhân viên có diễn biến tư tưởng xấu, không để địch lôi kéo, sử dụng. Cũng qua việc thông báo âm mưu thủ đoạn của địch, đã giúp cán bộ các mũi công tác nâng cao cảnh giác, rà soát lại các đầu mối đang sử dụng trong vùng địch, thanh loại số lợi dụng đi lại, buôn bán, quan hệ, tiếp tế cho cách mạng để cung cấp tin tức cho địch.

 
Một kiểu khu tập trung của Mỹ-ngụy.

Đặc biệt trong giai đoạn “Chiến tranh đặc biệt”, sau nhiều lần cài cắm lực lượng tình báo gián điệp vùng căn cứ bị ta vô hiệu hoá, địch chuyển sang tung bọn biệt kích, thám báo lên hoạt động ở vùng giáp ranh, với phương thức “đánh nhanh, rút nhanh, bí mật bất ngờ” nhằm làm cho ta không kịp đối phó. Trước tình hình trên, Ban An ninh tỉnh đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy thành lập LLAN vũ trang xã trên một số ấp vùng ven, phối hợp cùng với lực lượng du kích, nắm tình hình tuần tra canh gác, bố phòng, tổ chức đánh diệt bọn biệt kích, thám báo xâm nhập vùng ven, hỗ trợ nhân dân bung ra sản xuất, có hiệu quả.

Phong trào vùng căn cứ phát triển ngày càng mạng mẽ, ta đã đẩy mạnh phong trào bố phòng; xây dựng “Làng chiến đấu” Tập Lá (xã Phước Chiến), làm bẫy đá, hầm chông, mang cung. Đồng bào hăng hái tham gia phong trào đi dân công, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực...từ căn cứ xuống đồng bằng và từ các tỉnh ngoài về địa phương góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn 1965-1968, Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ” trên toàn chiến trường miền Nam, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tại các vùng căn cứ, LLAN xã, ấp được duy trì, củng cố cùng với các lực lượng khác quyết tâm bảo vệ và xây dựng vùng căn cứ địa vững chắc trong hoàn cảnh mới vô cùng gian khổ, ác liệt. Trước sức đánh phá hủy diệt của địch, hầu hết các tuyến bố phòng bị bom đạn cày xới; một bộ phận quần chúng dao động, lo ngại không đi sản xuất; LLAN đã cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục nhân dân về âm mưu mới của kẻ thù. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn nhân dân đào hầm trú ẩn, đào công sự chiến đấu, bắn máy bay địch. Để giữ vững mọi hoạt động ở vùng căn cứ, cán bộ An ninh đã nghiên cứu, nắm bắt được quy luật pháo kích của địch và hướng dẫn đồng bào cách ngụy trang che mắt địch để sản xuất; nhờ vậy đồng bào đã nhanh chóng ổn định tư tưởng, tích cực sản xuất, đảm bảo đủ lương thực và cung cấp cho cách mạng.

LLAN đã tích cực phòng ngừa, trấn áp kẻ thù bảo vệ an toàn lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo và bảo vệ nhân dân. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, lực lượng An ninh đã phát huy các mặt công tác nghiệp vụ, phục vụ và phối hợp với lực lượng Quân sự đã đánh bại các cuộc phản công, càn quét của địch, bảo vệ được vùng căn cứ giải phóng. Nổi bật là các trận càn vào tháng 1-1967, 7-1967 …

Sau Hiệp định Paris, địch tăng cường lấn chiếm đánh phá bằng quân sự, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động tình báo, gián điệp. Chúng khai thác, khống chế, mua chuộc sử dụng số người có quan hệ hai vùng, số chiêu hồi, đầu hàng, đầu thú, số người bị bắt, số đào ngũ, cài tay chân vào số người đi làm rừng, rẫy, hoặc giả thoát ly đi tìm cách mạng để lẻn sâu vào căn cứ nắm tình hình, xây dựng cơ sở, cắm người trong nội bộ ta. Để đối phó với những âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của địch, LLAN Ninh Thuận tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, phối hợp với các ban, ngành, đội công tác bám cơ sở hoạt động, bắt giữ một số đối tượng như tên Mạnh (lái xe ben khai thác gỗ) lợi dụng vào sâu vùng căn cứ nắm tình hình ta cung cấp cho địch; tên Sinh, tên Đen là cán bộ kháng chiến đầu hàng phản bội.

Để giữ vững tình hình an ninh trật tự, ngoài công tác trấn áp và giáo dục cải tạo bọn tề, ngụy, LLAN còn đẩy mạnh trấn áp và giáo dục cải tạo bọn lưu manh trộm cắp, bầu dầu, thầy cúng. Ban An ninh huyện đã tham mưu cho Huyện ủy Bác Ái, mở phiên tòa xét xử vụ án bầu dầu tại xã Phước Trường có hàng trăm đại biểu chính quyền, đoàn thể và nhân dân tới dự. Tăng cường công tác quản lý trị an đối với vùng căn cứ, ban An ninh tỉnh đã nghiên cứu, hướng dẫn thể lệ về biện pháp quản lý hành chánh công khai như cấp giấy chứng nhận cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, tạm trú, tạm vắng… Vùng căn cứ được xây dựng, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày giải phóng.

Có thể nói địa thế núi rừng hiểm trở, thế trận lòng dân và chiến thuật bố trí phòng thủ hợp lý đã làm cho các vùng căn cứ cách mạng Bác Ái - Anh Dũng trở thành hậu phương vững chắc, mặc dù đế quốc Mỹ đã dùng mọi âm mưu thâm độc, xảo quyệt, huy động tối đa phương tiện chiến tranh nhưng không thể thực hiện được tham vọng xóa sạch căn cứ địa, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng kháng chiến của ta. Để làm tròn sứ mệnh đảm bảo an toàn căn cứ và bảo vệ cán bộ lãnh đạo, LLAN đã chủ động bố trí nhiều bộ phận hoạt động phục vụ cho công tác bảo vệ, phát động phong trào quần chúng bảo mật, phòng gian làm trong sạch địa bàn; trinh sát vũ trang chủ động lên kế hoạch đánh bọn tình báo, gián điệp, cảnh sát... xâm nhập hoạt động vùng ta quản lý. Có thể khẳng định, xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi mọi hoạt động chiến đấu LLAN Ninh Thuận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.