Gỡ vướng chính sách cho ngư dân vươn khơi bám biển

Tại Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức ngày 15/4 tại Đà Nẵng, nhiều đại biểu đã đề xuất việc khắc phục bất cập trong chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi xa, bám biển lớn.

Thời gian qua, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí thực hiện các chính sách phát triển ngành Thủy sản ước khoảng 22.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.600 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua dầu, đóng mới tàu cá, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; 5.300 tỷ đồng nâng cấp đê điều, khu neo tránh trú bão...

Nhu cầu vốn đầu tư để triển khai thực hiện cho ngành Thủy sản là rất lớn, nhưng nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn vốn chủ yếu vẫn từ ngân sách Trung ương, việc huy động từ nguồn ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chưa kể việc bố trí vốn đầu tư vẫn còn dàn trải, phân tán nên hiệu quả không đạt được như mong muốn.

Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 131 khu neo đậu với tổng nguồn vốn 11.230 tỷ đồng, có năng lực đáp ứng chỗ cho 84.200 tàu cá. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1.700 tỷ đồng được giải ngân với 41 khu neo đậu tránh trú bão cho gần 31.000 tàu, đạt 27% so với nhu cầu đến năm 2015.

Về cảng cá, tỷ lệ này còn thấp hơn, với 4% (4.183 cảng cá với tổng nguồn vốn 204 tỷ đồng) so với nhu cầu qui hoạch đến năm 2015.

Cũng giống như cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định là hiệu quả còn thấp do chưa sát với nhu cầu và trình độ của ngư dân. Các chính sách khác như giảm tổn thất trong thủy sản, hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai trên biển chưa đáp ứng được mong muốn của ngư dân; nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường, không có cơ chế bảo hiểm, thế chấp tài sản, xử lý rủi ro đặc thù nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn tín dụng...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát kiến nghị sửa đổi chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá. Cụ thể là tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần đi kèm với các tổ đội sản xuất trên biển và các tàu khai thác đối tượng giá trị cao. Mức vay được đề xuất là 80% giá trị tàu, thời hạn 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất 2,5%/năm với tài sản thế chấp chính là con tàu được đóng mới. Dự kiến gói tín dụng này khoảng 48.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất một số chính sách mới như gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với 28.000 tàu cá xa bờ; hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên...

Đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, đối với các trường hợp rủi ro do thiên tai, đề nghị Chính phủ có biện pháp khoanh nợ, xóa nợ từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc cho các tổ chức tín dụng được trừ vào lợi nhuận trước thuế nhằm giúp các ngân hàng có nguồn lực và niềm tin khi cho vay trong lĩnh vực này.

Cũng trong Hội nghị nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định về phát triển thủy sản trên tinh thần mục tiêu là hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển triển nhanh và bền vững ngành Thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

Nguồn chinhphu.vn