Khắc phục khó khăn, sản xuất vụ mùa thắng lợi

(NTO) Đến thời điểm này, tình trạng khô hạn kéo dài ở tỉnh ta vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên theo dự báo khí tượng thủy văn từ nay đến cuối năm tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, có thể xảy ra nhiều đợt mưa bão, đây là lý do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sản xuất vụ mùa sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo kế hoạch, trong vụ mùa này toàn tỉnh gieo trồng trên 24.300 ha, trong đó, cây lương thực 18.098 ha, địa phương có diện tích sản xuất cao là Ninh Phước 7.098 ha, kế đến là Ninh Sơn 6.623 ha, và thấp nhất là Thuận Nam 1.310 ha.

Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, khẩn trương làm đất
xuống giống vụ lúa mùa 2014. Ảnh: Sơn Ngọc

Hiện nay, tình hình tích nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất chỉ còn 49,19 triệu m3, đạt 25,59% tổng dung tích thiết kế, so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 24,88 triệu m3. Ngoài ra, có 45 hồ chứa nước dung tích dưới 1 triệu m3 nước đang trong tình trạng cạn kiệt do không có mưa. Trước nguy cơ thiếu nước ở một số vùng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1430/KH-UBND tỉnh về Công tác phòng chống hạn, trong đó ưu tiên các nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc-gia cầm, điều tiết nước phục vụ cho sản xuất. Ngành chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi căn cứ kế hoạch sản xuất vụ mùa của các huyện, thành phố, căn cứ mực nước hiện tại ở các hồ để xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp. Ông Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi cho biết: Rút kinh nghiệm sản xuất vụ hè-thu vừa qua, Công ty tiếp tục thực hiện phương án điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tưới nước luân phiên giữa các kênh trong hệ thống, tránh xảy ra tranh chấp nước. Cụ thể: Đối với hệ thống các hồ chứa như: Sông Sắt, Lanh Ra, Tân Giang sẽ duy trì biện pháp điều tưới nước luân phiên phù hợp với lịch gieo trồng để giảm lượng nước bốc hơi tại mặt ruộng. Riêng các hồ còn lại khi nào có mưa, lượng nước được bổ sung và được ngành chức năng khuyến cáo sẽ có kế hoạch gieo trồng tiếp tục. Đối với các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm sẽ áp dụng biện pháp tưới đồng thời trên toàn hệ thống khi tiến hành gieo sạ và giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng nhằm ổn định nguồn nước cung cấp cho nông dân sản xuất. Ngoài các giải pháp nêu trên Công ty còn xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp khi nguồn nước Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chỉ xả phát điện còn dưới 10 m3/s (lượng xả hiện nay từ 18-25 m3/s)... Nói chung, đơn vị chủ động chuẩn bị các biện pháp để bảo đảm đủ nước sản xuất theo kế hoạch tưới.

Để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng vụ mùa đối với các loại cây trồng. Riêng đối với cây lúa, nên sử dụng các loại giống lúa hạt dài (OM 4495, OM 4498, IR 64…), giống lúa hạt tròn bầu (ML 202, ML 214, TH 41 phục tráng). Cùng với việc sử dụng giống theo hướng dẫn kết hợp với áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong gieo trồng và chăm sóc cây lúa. Ngành cũng khuyến cáo, thời gian gieo trồng tập trung trong tháng 9. Riêng vùng trũng gần sông Quao thường bị ngập khi xuất hiện lũ hoặc không kịp vụ mùa có thể chuyển sang trồng vụ đông-xuân 2014-2015 sớm để sản xuất đạt hiệu quả. Những vùng tưới nước bấp bênh, vùng miền núi cần có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ cây lúa sang bắp, đậu, cỏ chăn nuôi…

Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định sản xuất vụ mùa năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường nên ngành vừa triển khai phương án phòng, chống hạn vừa xây dựng phương án phòng chống bão lũ, thiên tai. Tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả; nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện và mùa vụ đảm bảo nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh, thực hiện công tác dự tính, dự báo kịp thời để bảo vệ cây trồng có hiệu quả.