Cần có chính sách tạo điều kiện cho ngư dân phát triển

Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đều nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao sự điều hành, quản lý của Chính phủ trong bối cảnh năm 2014 với nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực.

Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tình hình sản xuất kinh doanh của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn như: Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống của người dân, đặc biệt ngư dân vùng biển còn khó khăn…

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), thực trạng đất nước đang hiện hữu nhiều khó khăn, yếu kém, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngư dân vùng biển.

ĐB Lê Nam cho rằng, tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Hiệp định Nghề cá vịnh Bắc bộ tại thành phố Đà Nẵng ngày 19/9/2014 cho biết, tàu cá của Việt Nam hoạt động trong vùng đánh cá chung chỉ chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá được cấp phép. Tàu đánh cá của ta đa phần là tàu vỏ gỗ, trang thiết bị hạn chế, khả năng chịu sóng gió kém, khiến hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

"Mỗi năm có tới 12 nghìn lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm, đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam, khi kiểm tra thì chống đối, bỏ chạy, rất ít vụ việc được kiểm tra xử lý. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân ta tiếp tục bị bắt bớ, bị tàu lạ đâm chìm", ông Nam nói.

Tuy nhiên, tại kỳ họp này Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đều đề cập đến thực trạng lao động của ngư dân rất khiêm tốn và mờ nhạt. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường đầu tư bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đã thực hiện như thế nào, chưa thấy báo cáo nào của Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện một chính sách tạo điều kiện cho ngư dân phát triển. Đặc biệt, Chính phủ cần báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cho ý kiến về tình hình nợ công, nợ xấu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy những tồn tại khiến nền kinh tế chưa phát triển vững chắc.

Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ ra khá thẳng thắn, tuy nhiên qua phản ánh của báo chí, cử tri, cần cân nhắc để có đánh giá chuẩn xác nhất về nợ công, nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Từ những số liệu chuẩn xác, Quốc hội mới có thể xem xét để cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và cử tri thấy rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình để góp phần tăng trưởng kinh tế những năm tới.

ĐB cũng cho biết, nhìn nhận về phát triển kinh tế qua các số liệu đã đạt được dễ thấy sự lãng phí từ đầu tư phát triển như: Một số nhà văn hóa, trung tâm thương mại, trụ sở, sân thể thao, quỹ đất hiệu quả còn rất hạn chế. Ngay cả đầu tư cho giao thông về cơ bản có hiệu quả nhưng cũng không ít dự án gây bức xúc cho cử tri như một số tuyến đường vừa khánh thành đã lún nứt; hay trong 19 đường hầm đi bộ ở Hà Nội thì có 4 đường hầm đóng cửa không sử dụng…

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, theo ĐB năm 2014 Chính phủ tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương đã chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường song cũng còn chưa thật quyết liệt trong tổ chức thực hiện và giám sát, thanh tra, xử lý.

Đặc biệt, viêc xử lý tồn đọng quỹ nhà, quỹ đất của thị trường bất động sản theo Bộ Xây dựng tính đến hết tháng 12/2013 cả nước có 4.015 dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới với tổng số vốn gần 4,5 triệu tỷ đồng; quỹ đất tới 102.000 ha nhưng đã kiểm tra khai thác quỹ đất đến đâu chưa được thanh tra xử lý quyết liệt…Việc xây dựng giám sát thực hiện chính sách đất đai được tập trung ở cấp Trung ương và các bộ ngành có liên quan; thực thi chính sách ở cấp tỉnh, cấp xã, huyện đang thiếu, yếu về năng lực, tồn tại này, theo đại biểu cần được nêu trong đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2014.

Đề cập vấn đề sử dụng công nghiệp thông tin cho lĩnh vực nông nghiệp, nông sản của Việt Nam ra trường thế giới, ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) cho rằng, nước ta hiện nay đang đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản có giá trị cao. Đưa ra 3 loại nông sản tiêu biểu và quan trọng nhất: hồ tiêu, gạo và cà phê. Để có thể hình dung được con số 6,3 tỷ USD do người nông dân mang lại, lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cũng không nhỏ trên thương trường thế giới tuy nhiên trừ hồ tiêu, những năm qua, người nông dân đã phần nào quyết định được giá cả hợp lý cho sản phẩm của mình, còn lại gạo và cà phê cùng nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn nằm trong thế bấp bênh. “Vậy tại sao chúng ta không đặt ra những định chế để phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa như các nước trên thế giới đã làm hàng trăm năm qua ?”, ĐB nhấn mạnh.

“Chúng ta tự hào về xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng thực chất giá trị lợi nhuận mang lại không lớn; người nông dân làm ra những mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn; tham gia kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu thế giới không có ý nghĩa gì”- Đại biểu mong muốn sàn giao dịch nông sản điện tử của Việt Nam có chất lượng sẽ sớm ra đời để nông sản Việt Nam được phát triển và khẳng định trên trường thế giới, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thương mại thời kỳ mới.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ĐB cũng cho rằng, một thực tế là đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, cần xem xét nông dân là cái gốc trong chuỗi của từng ngành hàng để tử đó có các chính sách tác động thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó là công tác đào tạo nghề theo hướng chọn ngành nghề trọng điểm phù hợp với vùng.

Các ĐB cũng đề nghị cần rà soát lại chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chính sách thực sự là cú hích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam