Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

(NTO) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để pháp luật đi vào cuộc sống luôn là thử thách đối với các cấp chính quyền. Bởi thực tế cho thấy, việc PBGDPL không khó, nhưng để người dân nhớ và thực thi pháp luật thì lại không dễ.

Hội đồng PBGDPL tỉnh đã xây dựng các kế hoạch về thực hiện công tác PBGDPL, gắn với kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 59 báo cáo viện pháp luật cấp tỉnh, 131 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, cùng 28 cán bộ làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp. Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, các báo cáo viên, tuyên truyền viên không ngừng được tập huấn, cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật mới. Trong năm 2014, tỉnh ta đã chú trọng phổ biến nội dung Hiến pháp năm 2013, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, PBGDPL và kỹ năng hòa giải cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Bên cạnh đó tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Đất đai…; các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm và trật tự an toàn giao thông…

Công an huyện Ninh Hải tích cực tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT.

Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cũng đã tích cực thực hiện việc PBGDPL thông qua các buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật” lồng ghép quán triệt nội dung các vản bản pháp luật để cán bộ, công chức, viên chức nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tuyên truyền về tình hình thời sự Biển Đông, chủ động lựa chọn hình thức thực hiện phù hợp như tổ chức đọc sách báo, triển khai văn bản pháp luật, trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về ý thức thượng tôn và chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác PBGDPL tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp, triển khai thực hiện công tác PBGDPL giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương thiếu đồng bộ, thống nhất. Nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành chưa có thời gian để tập huấn tuyên truyền. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn kiêm nhiệm, chưa có chuyên trách, chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu pháp luật. Kinh phí dành cho việc tuyên truyền pháp luật ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa cao.

Đồng chí Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Tại cơ sở, việc tuyên truyền PBGDPL chủ yếu lồng ghép qua các buổi họp dân nhưng thực tế người dân ít tham dự. Lực lượng tuyên truyền viên cấp xã dù được củng cố nhưng kiến thức pháp luật có phần hạn chế. Tuyên truyền pháp luật trong “Ngày pháp luật” còn hạn chế về thời gian nên chưa chuyển tải hết nội dung văn bản. Tủ sách pháp luật ở cơ sở chưa phát huy hiệu quả, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện để người dân tiếp cận.

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, PBGDPL thời gian tới cần phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL đến tận người dân, cần tăng kinh phí cho Phòng Tư pháp, UBND cấp xã trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật. Các địa phương cũng cần quan tâm chọn nội dung tuyên truyền trọng tâm, phù hợp tình hình thực tế sát với nhu cầu của người dân địa phương, từng đối tượng để người dân “ngấm” và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.