Tích cực nhân rộng điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

(NTO) Hòa chung không khí thi đua sôi nổi cùng các ngành, các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ VI, năm 2015, Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và biểu dương điển hình tiên tiến, giai đoạn 2010-2014. Có 80 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu thay mặt cho trên 73.000 hội viên các cấp Hội đã đến tham dự hội nghị.

Ý nghĩa hơn, đây còn là dịp để các hội viên, nông dân được gặp gỡ, cùng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Anh Vimôn Văn Hớn, dân tộc Raglay, ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) chia sẻ: Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu từ trồng bắp, điều, nuôi dê, bò. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với nhiều điển hình nông dân, tôi biết được nhiều bà con các vùng dân tộc thiểu số ở các địa phương khác có đặc điểm tự nhiên tương tự như địa phương mình đã thực hiện rất nhiều mô hình sản xuất vườn, ao, chuồng kết hợp rất hiệu quả; đưa một số cây trồng, vật nuôi mới như cây thanh long ruột đỏ, bò lai... vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội nghị đã giúp tôi có thêm những bài học kinh nghiệm sản xuất quý báu”.

Ông Hồ Nghĩa, điển hình sản xuất giỏi thôn An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước)
làm giàu với mô hình trồng nho sạch.

Tại hội nghị, nhiều gương nông dân sản xuất giỏi đã tham gia báo cáo tham luận, trong đó không ít nông dân đã tạo ấn tượng cho các đại biểu bởi tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên, sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để đạt được năng suất, hiệu quả, lợi nhuận cao nhất trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Điển hình như bà Trần Thị Tân, ở xã Tri Hải (Ninh Hải), đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt 5 km ống dẫn nước từ biển đến vùng đất rẫy bạc màu dọc chân núi Quýt để làm muối. Sau thành công của bà, nhiều bà con trong vùng cũng làm theo, đến nay đã biến toàn bộ diện tích đất rẫy bạc màu ở đây trở thành cánh đồng muối rộng lớn cho năng suất cao. Bà Tân còn vận động bà con thành lập tổ hợp tác làm muối với tổng diện tích 8 ha; mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình sản xuất muối sạch trên nền bạt nhựa. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng và chất lượng muối do gia đình bà sản xuất ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2011, sản lượng muối gia đình bà sản xuất ra 2.735 tấn, doanh thu gần 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận 747 triệu đồng; năm 2013, tăng lên 3.465 tấn, doanh thu 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1,8 tỷ đồng. Bà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số với những thành tích đáng nể trong làm ăn. Như ông Chamaléa Ninh, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Sinh ra lớn lên ở vùng đất điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, truyền thống canh tác thô sơ, lạc hậu, vượt qua những rào cản đó, ông Ninh mạnh dạn áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên 2,6 ha diện tích lúa nước để tiết kiệm chi phí, cho lợi nhuận cao. Với số vốn tích cóp được, ông mở đại lý máy xay xát gạo, vừa kinh doanh vừa tận dụng cám gạo để chăn nuôi heo... Nhờ đó mỗi năm từ việc sản xuất, kinh doanh, gia đình ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ nông dân nghèo trong làm ăn: cho vay vốn, hỗ trợ về lúa giống… , đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5-7 lao động của các hộ gia đình nghèo ở địa phương. Ông Ninh tâm sự: Bản thân vốn xuất phát từ nghèo khó, nên hễ bà con nào đến yêu cầu giúp đỡ, tôi đều cố gắng hết mình. Tuy nhiên, để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trước tiên bà con phải thực sự có ý chí và phải biết tính toán, cân nhắc, mạnh dạn loại bỏ những tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu để tìm ra cách làm ăn mới có hiệu quả. Đây cũng là một trong điểm yếu của nhiều bà con dân tộc thiểu số, trong đó có bà con dân tộc Raglay.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện phong trào tại một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, phong trào vẫn còn yếu. Việc nhân rộng các mô hình hiệu quả vẫn còn chậm… nên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Giải quyết những hạn chế này, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện tốt các giải pháp, đặc biệt tích cực nhân rộng các mô hình, các điển hình; đồng thời hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân trong sản xuất nhằm tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn đột phá vào những lĩnh vực sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, làm giàu cho gia đình và xã hội, phát huy vai trò xây dựng nông thôn mới.