Những “người mẹ” thứ hai của trẻ

(NTO) “Lương y như từ mẫu” là câu nói gắn với ngành Y, gắn với đạo đức và trách nhiệm, sự nhiệt tâm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, cứu chữa người bệnh. Với đội ngũ y, bác sỹ Phòng Đơn nguyên sơ sinh (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), “từ mẫu” không còn là hình tượng ví von nữa, bởi khi mặc vào người chiếc áo blouse, các anh, các chị đã trở thành những “người mẹ” thứ hai của các bé nơi đây.

Phòng Đơn nguyên sơ sinh tiếp nhận các trẻ sinh thiếu tháng hoặc trẻ sơ sinh mắc bệnh. Gọi là “đơn nguyên” vì ở đây, các bé phải “tự lập”, cách ly người thân, kể cả mẹ. Mọi công tác chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt, từ việc cho trẻ uống sữa, đến thay tã, vệ sinh hàng ngày,… đều do các bác sỹ, điều dưỡng thực hiện. Nhìn cách các anh, các chị chăm sóc, nựng nịu vỗ về, trò chuyện với từng bé, dễ nhận ra tình cảm mà những “người mẹ” thứ hai này dành cho các em nhỏ. Đã có nhiều năm công tác ở bộ phận này, điều dưỡng Võ Thị Diệu Nga tâm sự: “Đầu tiên, việc chăm sóc các bé là trách nhiệm công việc, rồi dần dần trở thành tình thương mến lúc nào không biết. Thậm chí, khi các bé xuất viện hoặc chuyển qua khoa, phòng khác, chúng tôi nhớ vô cùng!”.

Việc chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi nhiều kỹ thuật,
kinh nghiệm, trách nhiệm và tình thương.

Các trẻ sinh non có thể trạng rất yếu, hay bị thiếu máu và mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết, tiêu hóa,... Việc nuôi dưỡng ở bộ phận đơn nguyên thường kéo dài từ 1 – 3 tháng, hoặc hơn. Chị Võ Thị Diệu Nga, cho biết: Số lượng trẻ được chăm sóc và nuôi dưỡng ở đây thường dao động từ 8 – 18 bé. Chỉ khoảng 70% trường hợp được gia đình chu cấp đầy đủ các điều kiện chăm sóc như sữa, tã giấy, giấy vệ sinh,… Các bé còn lại thường có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Không ít trường hợp, bố mẹ các bé “xin” cho trẻ được “về sớm” với gia đình, vì không “theo nổi” chương trình chăm sóc đặc biệt. Điều này không có lợi cho sức khỏe các bé, chúng tôi phải động viên, thuyết phục và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, khi thì trực tiếp cho máu, khi thì trích quỹ mua sữa, tã giấy,… cho các em.

Bác sỹ Nguyễn Công Tâm, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác tại Khoa Nhi, chia sẻ: Y học ngày càng phát triển, khả năng cứu sống trẻ sinh non ngày càng cao. Tuy nhiên, vì các hệ chức năng chưa phát triển nên việc chăm sóc và nuôi dưỡng các bé gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm và đặc biệt là trách nhiệm, tình thương của đội ngũ y, bác sỹ. Hoạt động hỗ trợ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cho các bé ở phòng Đơn nguyên sơ sinh được đoàn viên Chi đoàn 4 đảm nhận, đã duy trì nhiều năm nay. Sự tham gia nhiệt tình của các bạn mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chuyên môn cũng như phong trào Đoàn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của Đoàn còn hạn hẹp nên chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chung tay, ủng hộ vật chất để các bé được nuôi dưỡng tốt nhất!

Hoạt động hỗ trợ các trẻ sơ sinh của đoàn viên bộ phận Đơn nguyên sơ sinh đã góp phần xây dựng hình ảnh những “từ mẫu” tâm đức của ngành y, đồng thời thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của các đoàn viên thanh niên.