Bác Ái tập trung chống hạn

(NTO) Năm 2014, tình hình khô hạn đã gây ảnh hưởng nặng nề về sản xuất ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta, nhất là đối với miền núi. Tại huyện Bác Ái, dự báo nắng hạn có thể kéo dài thêm nhiều tháng trong năm 2015 sẽ tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất của người dân.

Giảm 50% diện tích vụ Đông – xuân

Theo bà Ngô Thị Cúc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, đợt nắng hạn kéo dài trong năm 2014 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của một số xã như Phước Trung, Phước Thành... với diện tích thiệt hại khá lớn, chủ yếu là cây lúa và cây bắp. Ngay từ khi triển khai vụ mùa cuối năm 2014, chính quyền huyện Bác Ái đã lên các kế hoạch triển khai chống hạn kéo dài đến vụ đông-xuân 2015.

Nông dân xã Phước Thành chủ động kéo máy bơm nước cho các diện tích mía bị khô hạn.

Hiện tại, hầu hết các diện tích sản xuất vụ mùa đã bắt đầu đi vào thu hoạch, chỉ còn khoảng 160ha lúa nước tại một số khu vực xuống giống trễ, khoảng hơn 2 tuần nữa mới thu hoạch, tuy nhiên chắc chắn sản lượng sẽ không đạt vì hầu hết các diện tích này đều đang thiếu nước. Cũng theo bà Cúc, do hiện nay lượng nước từ các hồ, đập trên địa bàn huyện hầu như đã cạn kiệt nên vụ đông-xuân 2015, huyện Bác Ái chỉ có kế hoạch xuống giống khoảng 600ha, giảm hơn 50% diện tích so với mọi năm (vụ đông-xuân hàng năm từ 1.000 đến 1.200 ha). Trong đó, đối với diện tích lúa sẽ xuống giống khoảng 300 ha, nhưng chỉ ở khu vực 2 xã đang hưởng lợi nước tưới từ hồ Trà Co là Phước Tân và Phước Tiến, các diện tích còn lại sẽ bố trí chuyển đổi sang cây trồng cạn. Trong trường hợp có mưa tiểu mãn, căn cứ vào lượng nước tại các hồ đập sẽ bố trí triển khai thêm kế hoạch gieo trồng vụ hè-thu sớm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã vận động nhân dân dự trữ thức ăn cho gia súc từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, đậu...và nên dành một phần diện tích để trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc. Đồng thời chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện tăng cường công tác điều tiết, đảm bảo nước tối thiểu cần thiết tại các tuyến kênh nhằm đảm bảo lượng cung cấp nước uống cho gia súc.

Ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt

Không chỉ gây thiệt hại đến sản xuất của người dân, khô hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Bác Ái. Điển hình như tại xã Phước Trung, ngoài nỗi lo về sản xuất vụ đông-xuân thì việc lo thiếu nước sinh hoạt cho người dân là rất lớn. Hiện nay các nguồn nước có thể duy trì trên địa bàn xã đã hết, nhiều tháng qua hơn 200 hộ dân 2 thôn Tham Dú và Đồng Dày xã phải nhận nước hỗ trợ từ Nhà máy nước Xuân Hải, do Công ty Công trình đô thị Ninh Thuận cung cấp với tần suất 4 chuyến mỗi ngày, dung tích 5m³/chuyến và cứ cách 1 ngày sẽ chở đến đổ vào các bể nước công cộng để cung cấp cho người dân sinh hoạt. Không riêng gì xã Phước Trung, theo dự báo nguồn nước sinh hoạt tại một số xã khác trên địa bàn huyện Bác Ái cũng sẽ thiếu nghiêm trọng nếu hạn tiếp tục kéo dài thêm vài tháng. Vì vậy, vấn đề nguồn nước sinh hoạt của bà con đang rất được chính quyền huyện quan tâm. Ông Hồ Văn Dũng, Phó trạm Thủy nông huyện Bác Ái cho biết, hiện nay hầu hết các hồ, đập dâng nhỏ thuộc huyện quản lý đều đã hết nước, riêng với 4 hồ trọng điểm cung cấp nước thường xuyên cho huyện nhiều năm qua thì hồ Phước Nhơn và hồ Phước Trung xem như cạn kiệt, riêng hồ Sông Sắt dung tích còn khoảng 7,09 triệu m³/ 69.33 triệu m³ và hồ Trà Co còn khoảng 5,12 triệu m³/10,1 triệu m³. Vì vậy, ngoài lượng nước ưu tiên cho khoảng 300 ha lúa vụ đông-xuân sắp tới của hồ Trà Co, thì đơn vị tập trung điều tiết, ưu tiên và đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho hệ thống cấp nước Phước Đại và Phước Tân đã đấu nối. Vì 2 hệ thống cấp nước này phục vụ cho người dân của 6 xã là Phước Đại, Phước Thắng, Phước Chính, Phước Thành, Phước Tân, Phước Tiến. Với một số xã khác sẽ sử dụng nguồn nước tự chảy hoặc nguồn nước vận chuyển nếu xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Công tác chống hạn đang được huyện Bác Ái triển khai rất tích cực, tuy nhiên theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bác Ái thì chính quyền các xã cần thường xuyên theo dõi và tuyên truyền, hướng dẫn người dân xuống giống, xuống vụ theo đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành Nông nghiệp. Không tự ý xuống giống đại trà khi thấy xuất hiện một hai trận mưa nhằm tránh những thiệt hại không đáng có về sản xuất, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa khô hạn.