Chuyến xe cuối năm

(NTO) Đã hơn nửa ngày rồi mà chẳng có chiếc xe nào chịu đón Lâm cả. Đúng hơn là cũng có một vài chiếc dừng lại nhưng hoặc là hắn không đủ tiền (Bình thường khoảng chừng 150 ngàn là đi xe giường nằm cao cấp, ngày tết chúng tự lên gần cả triệu mà có khi chỉ được ngồi ghế xúp) hoặc là hắn thấy trên xe đã kín bưng.

Cứ thế những chiếc xe chật ứ người lần lượt chào hắn bằng những cuộn khói đen ngòm ngao ngán. Nhìn những chiếc xe vội vã lướt qua, lòng hắn cứ như sôi lên, sốt ruột vô cùng.

Thật ra hắn cũng không có ý định tết này sẽ về quê. Mấy sào nho đang lúc đổi màu hy vọng cho một cái tết đủ đầy bỗng chốc tan theo nước trời của mấy cây mưa giữa tháng chạp. Cái xứ thiếu mưa thừa nắng như quê hắn tưởng có vài trận mưa là hạnh phúc, là đất trời mát dịu, là không khí trong lành, là nguồn nước cho chăn nuôi, trồng trọt nhưng cũng có khi lại làm cho bao gia đình điêu đứng, trắng tay, nợ nần như gia đình của hắn. Gọi điện về nhà, nghe giọng mẹ cứ rưng rưng. Thôi thì tết này ở lại thành phố. Buồn buồn, tủi tủi vì thiếu hơi ấm tình thân, không khí gia đình đầu năm mới nhưng đỡ tốn kém, có thể tiết kiệm được cả tháng tiền cơm. Hơn nữa bao nhiêu đứa cũng ở lại đó thôi. Ở lại thành phố không những đỡ tốn kém mà còn tranh thủ kiếm việc làm thêm. Đúng là “nhất cữ lưỡng tiện”.

Đợi mãi đến nửa buổi chiều rồi cũng có một chiếc xe rước hắn – mà lại là xe cùng quê hẳn hoi – với cái giá “hữu nghị” vì tình đồng hương nhưng cũng thăm thẳm tận trên mây xanh. Thôi kệ chứ chiều 30 rồi biết làm thế nào được. Không biết có phải giá xe “hữu nghị đồng hương” hay không mà hắn được bố trí cho một chỗ … đứng. Hắn phàn nàn không chịu, đòi xuống xe vì dù sao cũng chưa đưa tiền. Thấy hắn làm dữ, anh phụ xe dịu giọng:

- Thôi ráng chịu khó tí đi cưng, thanh niên mà, xe chạy ra kia một đoạn có người xuống, anh xếp cho em chỗ ngồi.

- Sao lúc nãy anh bảo còn chỗ?

- Ừ thì còn chỗ em mới đứng được đấy. Thông cảm đi, giờ này còn xe nào nữa.

- Khách tới ngả ba Bốn Sáu chuẩn bị xuống nhé, sắp tới rồi!

Thì ra vị khách cho hắn ngồi tạm lên tay ghế chuẩn bị xuống xe. Nghĩ đến nửa đoạn đường còn lại hắn được ngồi vào ghế chính mà lòng lâng lâng, coi như ông trời cũng có mắt vậy. Vị khách vừa ra khỏi ghế, hắn ào vào thế chỗ ngay như sợ ai lấy mất. Hắn tựa lưng vào ghế, nhắm mắt mơ màng. Ôi hạnh phúc là đây.

Xe đến Phan Thiết lúc thành phố đã lên đèn, ai cũng muốn khẩn trương về nhà trước giao thừa nên chẳng thấy đói. Thể theo nguyện vọng của khách, bác tài cho xe chạy suốt. Bỗng đột ngột xe dừng lại. Nhiều hành khách xì xầm, bàn tán:

- Hỏng xe à? Sao xui vậy? Một vị khách nóng nảy gắt lên.

- Hình như xe dừng đèn đỏ thôi! Một vị khách nghi ngờ.

Chiếc xe từ từ lăn bánh mang lên xe một vị khách mới, xóa tan mọi hồ nghi trong lòng mọi người. Ngày tết tranh thủ ‘‘nhét’’ được người nào là họ không từ. Hắn nhìn vị khách này với cái nhìn đầy cảm thông. Rồi cũng như vị khách ở ngả ba Bốn Sáu, hắn bảo vị khách này ngồi tạm lên tay ghế cho đỡ mỏi chân. Hình như đó là một cô gái.

Còn gần trăm cây số nữa xe mới về tới bến, hắn tranh thủ chợp mắt một tí cho thời gian qua nhanh. Đang mơ màng, bỗng nghe tiếng hét của cô gái làm cho giật mình. Quả là khi xe qua một khúc cua gấp, vị khách ngồi tạm lên tay ghế nghiêng theo xe rồi ngã trọn vào lòng hắn. Đỡ vị khách dậy, hắn bực mình, càu nhàu:

- Lần sau cẩn thận nhé! Là con gái mà ...

Dù đang rất ngượng nhưng với câu nói lấp lửng của hắn, cô gái thấy mình như bị xúc phạm, đáp trả ngay :

- Xin lỗi! Tại chiếc xe nhé ... mà không biết chừng anh kéo tui xuống cũng nên. Ai biết được?

Cái cô này, cho ngồi tạm lên tay ghế không biết ơn mà còn đanh đá. Đã thế hắn sẽ cho biết tay:

- Cô tự tin quá đấy! Tôi không rãnh để kéo cái bao tải lúc nửa đêm.

- Đồ con trai không biết galăng – Cô gái cũng không chịu thua.

Nghe cô nói hắn chột dạ thật. Đang định kiếm câu gì đó để đáp trả thì tiếng anh phụ xe chen ngang:

- Sân khấu này của hai người hay sao mà diễn dữ vậy? Thôi chắc là cái duyên đấy!

Không biết duyên số thế nào nhưng thôi họ cũng không đấu khẩu nữa.

Về đến nhà đã 11 giờ đêm, bao nhiêu mệt nhọc trên chuyến xe cuối năm bỗng chốc tan biến mất khi hắn thấy mẹ đang lúi húi bên bếp lửa, ngạt ngào mùi bánh chưng, bánh tét. Trước hiên, mấy nong nho nứt chuẩn bị làm rượu để vớt vát lại tiền phân thuốc. Từ khi ba mất, mấy anh chị lần lượt yên bề gia thất ra ở riêng, mẹ cứ lủi thủi ra vào trong căn nhà thênh thang. Tết này hắn không về chắc mẹ sẽ buồn lắm. Không biết có phải vì khói bếp hay niềm xúc cảm đang dâng trào mà khóe mắt cay cay. Hình như mẹ cũng thế. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng, tủi tủi, đón giao thừa trong ánh lửa bập bùng.

Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Mồng bốn, Tỉnh họp mặt đầu năm những sinh viên xuất sắc. Xong phần phát biều, chúc mừng, hứa hẹn, ..., trong lúc gọi tên lên nhận học bổng, hắn ấn tượng với cái tên Lê Lâm Lan, một phần vì láy lại ba chữ L, phần khác vì chữ đệm của người này trùng với tên của hắn. Hắn đảo mắt nhìn người mang tên ấy là ai thì ôi trời đó là ‘‘cái bao tải lúc nửa đêm’’ bất đắc dĩ ngả vào người hắn. Lan cũng ngạc nhiên không kém, nhìn hắn cười cười khó hiểu. Nghe thành tích của Lan mà hắn thấy nễ: Là Á khoa của Đại học Y dược thành phố. Hắn cứ ngỡ cô bé này đi làm hay học gì đó ở Phan Thiết, không biết rằng xe Lan đi bị hỏng giữa đường phải đón xe khác rồi run rủi thế nào lại gặp trúng xe của hắn.

Cuối buổi họp mặt, lúc ra về hắn chủ động bắt chuyện:

- Lan này! À Lê Lan rừng này! Xin chúc mừng và khâm phục.

Không biết vì không khí năm mới hay câu nói bông đùa có thành ý của hắn mà Lan cũng cảm thấy vui vui:

- Phải gọi như thế nhé! Tên người ta đẹp thế mà bảo là ‘‘Bao tải lúc nửa đêm’’. Mà Lâm mừng gì? Phục gì vậy?

- Thì mừng năm mới và phục thành tích học tập của Lan.

- Ra trường Lâm có định về quê công tác như đã cam kết không?

Nhìn suất học bổng trên tay, hắn nói rất tin tưởng:

- Tỉnh đã tạo điều kiện như thế mà. Hơn nữa mình đã tự cam kết ngay từ khi làm hồ sơ dự thi kìa!

Nhìn vào mắt hắn, Lan thấy ánh lên một niềm tin rất lạ. Tự nhiên hắn cũng thấy tự tin hẳn lên, chìa luôn bó hoa (mới tặng buổi họp mặt) về phía Lan:

- Tặng Lan rừng bó hoa nè!

Như sợ Lan không nhận, hắn vội thanh minh:

- Con trai mà cầm hoa thấy sao sao ấy!

Đưa tay nhận hoa, Lan cũng không quên chọc hắn một câu:

- À thì thấy sao sao nên mới tặng chứ gì.

Hắn thấy bối rối nhưng cũng chẳng thanh minh nữa, vội chuyển sang chuyện khác:

- Lan mua vé xe vô chưa? Hay mình đi mua cùng chuyến cho vui.

Lan nhìn hắn với nụ cười rạng rỡ. Cả hai cùng sóng đôi dưới nắng vàng mùa xuân. Nhìn hai bó hoa trên tay Lan rung rinh trong gió, hắn thấy lòng ấm áp lạ thường.