Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 6 Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã

Sáng 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về 6 Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong chiều ngày 13/5.

Theo đó, 6 đề án bao gồm: Thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên, thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước đánh giá cao Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuẩn bị rất kỹ báo cáo và đi vào những vấn đề quan trọng của các đề án. Về cụ thể, ông Ksor Phước nhất trí với tờ trình của Chính phủ và cho rằng điều chỉnh địa giới hành chính hoàn toàn dựa trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng của các tỉnh trong tình hình mới. Với riêng Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh: Đây là một địa phương đang phát triển rất nhanh và là trung tâm đào tạo, giáo dục, công nghệ cao của khu vực phía Bắc. Chính vì vậy, vấn đề là quy hoạch và xây dựng đô thị ở Thái Nguyên sẽ góp phần phát triển một trong 3 trung tâm đào tạo nhân lực của cả nước bên cạnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về vấn đề tăng biên chế khi chia tách địa giới hành chính, ông Phước lưu ý, các tỉnh có thể cân đối trong tổng quỹ biên chế của địa phương nhưng chắc chắn câu chuyện tăng biên chế sẽ xảy ra vì không thể có bộ máy mà không có người làm. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Chính phủ là đảm bảo chất lượng, trình độ cán bộ tại các đơn vị hành chính mới và giải quyết phù hợp với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương và đáp ứng sự phát triển ở địa phương.

Cho ý kiến về các đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ đồng tình với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, quá trình chuẩn bị của Chính phủ và bản thân các địa phương là hoàn toàn phù hợp cho sự phát triển chung trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển vùng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chia tách địa giới hành chính tại địa phương cần chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị trong đó từ nay đến 2016, kiên quyết không tăng biên chế. Để làm được điều này, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ quan tâm xem xét vấn đề tăng biên chế sau năm 2016 nhất là đơn vị hành chính mới cũng như các địa phương phải đồng lòng với Chính phủ để thực hiện chủ trương biên chế một cách hợp lý.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thể hiện sự lo lắng khi 2 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đều cho ý kiến về thay đổi địa giới hành chính. Ông Hiển nhấn mạnh: Việc liên tục chia tách địa giới hành chính thời gian qua sẽ cần số tiền rất lớn, nguồn vốn ở đâu là một câu hỏi không hề đơn giản. Việc thành lập một đơn vị hành chính mới sẽ kéo theo đầu tư về cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng... Ông Hiển đề nghị, với mỗi đề án như thế này nguyên tắc đầu tiên là phải xác định vốn ở đâu, huy động từ nguồn nào. Bên cạnh đó, Chính phủ cần rành mạch trong vấn đề tài chính và tính toán kỹ tránh trường hợp quyết xong rồi nhưng không có vốn đầu tư và rơi vào tình trạng lãng phí.

Trả lời về băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề vốn đầu tư cho các đơn vị hành chính mới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết: Theo tờ trình của Chính phủ, nhu cầu thực hiện 6 đề án là khá lớn với khoảng 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên phần ngân sách Trung ương đầu tư không lớn, chỉ có 1.700 tỷ đồng, số còn lại sẽ được lấy từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. “Qua tính toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định cả 6 tỉnh trong đề án đều có khả năng bố trí đầu tư mới. Trong đó, Trà Vinh có thể bố trí hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư mới hay ngân sách Trung ương đầu tư cho Thanh Hóa còn gần 5.000 tỷ đồng trong khi yêu cầu của đề án chỉ là 122 tỷ đồng. Vì vậy, ngân sách Trung ương hoàn toàn có thể cân đối cho việc thực hiện các đề án theo tờ trình của Chính phủ”, ông Thu khẳng định.

Phát biểu cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những đề án đề nghị mở rộng đều hợp lý vì là những vùng đang phát triển mạnh, đòi hỏi cần mở rộng. Vấn đề ở đây là mô hình tổ chức chính quyền tiếp theo như thế nào. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, kết thúc phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạm dừng việc quyết định điều chỉnh, thành lập, chia tách, nhập các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh để xây dựng bộ tiêu chí mới. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới tiếp tục xem xét các đề nghị điều chỉnh, thành lập, chia tách, xác nhập các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

Kết thúc phiên thảo luận sáng 14/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Tờ trình của Chính phủ về 6 Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam