Sẽ thành lập 3 Toà án nhân dân cấp cao

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, 3 TAND cấp cao được thành lập gồm: TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

TAND cấp cao tại Hà Nội có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

TAND cấp cao tại Đà Nẵng có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Các TAND cấp cao sẽ tiếp nhận trụ sở của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh làm trụ sở làm việc. Các TAND cấp cao thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của 3 tòa phúc thẩm, 5 tòa chuyên trách của TAND tối cao và Ủy ban Thẩm phán các TAND cấp tỉnh trước đây.

Cho đến khi UBTVQH có quyết định mới về biên chế, số lượng thẩm phán của tòa án nhân dân cấp cao, biên chế, số lượng thẩm phán của TAND cấp cao được thực hiện bằng phương thức điều chuyển. Theo đó, 120 biên chế thẩm phán đã được UVTHQH phân bổ cho TAND tối cao sẽ được chuyển cho các TAND cấp cao, trở thành 120 thẩm phán cao cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, sau này, khi TAND tối cao xây dựng được lực lượng thẩm phán đáp ứng được yêu cầu, UBTVQH sẽ bổ sung thêm thẩm phán cao cấp, giúp các TAND cấp cao hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí cần tuyên truyền sâu rộng để Luật Tổ chức TAND đi vào cuộc sống (có hiệu lực ngày 1/6/2015), bảo đảm sự vận hành thông suốt, liên tục của bộ máy, không làm gián đoạn công tác xét xử.

Khi chuẩn bị xong, UBTVQH sẽ quyết định thành lập thêm các TAND cấp cao ở các khu vực khác, có thể là tại Cần Thơ và tại khu vực miền núi phía Bắc.

Trước đó, trình bày Tờ trình về việc thành lập các TAND cấp cao theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình cho biết: Theo thống kê trong 3 năm 2012 - 2014, số lượng các loại vụ án xét xử trung bình thuộc thẩm quyền của các TAND cấp cao là 4.780 vụ án các loại/năm. Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trung bình 8.075 đơn/năm (trong đó, các Tòa án phía Nam phải giải quyết 4.825 đơn/năm - chiếm 60%). Mặt khác, tính đến ngày 30/9/2014 so với năm 2010 (tại thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận 79-KL/TW, ngày 28/7/2010) cho thấy, số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Tòa án nhân dân cấp cao tăng rất lớn và chủ yếu thuộc địa bàn các TAND khu vực phía Nam.

Xuất phát từ thực tế công tác xét xử, để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu TAND cấp cao, trước mắt, Ban Cán sự đảng đề xuất thành lập 4 Tòa án nhân dân cấp cao tại: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Từ năm 2017 đến năm 2020, sau khi đã chuẩn bị đủ các điều kiện về trụ sở, nhân lực cùng với sự hoàn thiện của pháp luật và các điều kiện khác sẽ đề nghị thành lập 5 TAND cấp cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tổng số biên chế của 4 TAND cấp cao về cơ bản là: 644 người, trong đó có từ 268 Thẩm phán cao cấp.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, trước mắt quyết định thành lập 3 TAND cấp cao (TAND cấp cao tại thành phố Hà Nội, tại thành phố Đà Nẵng và tại thành phố Hồ Chí Minh) trên cơ sở của 3 Tòa phúc thẩm TANDTC hiện nay. “Phương án này không gây ra sự xáo trộn lớn, không phải đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm các TAND cấp cao triển khai hoạt động được ngay kể từ ngày 01/6/2015 Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực”, ông Nguyễn Văn Hiện nói. Sau một thời gian hoạt động, chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết, cần có tổng kết, đánh giá cụ thể về kết quả và chất lượng hoạt động của các TAND cấp cao, Chánh án TANDTC có thể đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định thành lập thêm TAND cấp cao mới, nếu xét thấy cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng trong chiều 14/5, UBTVQH cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nội dung: Phê chuẩn quyết định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND tối cao; danh sách ủy viên Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chỉ còn vài ngày nữa, Kỳ họp 9, Quốc hội Khóa XIII sẽ khai mạc. Các cơ quan liên quan cần chuẩn bị thật tốt các văn bản trước khi trình Quốc hội, bảo đảm tốt nhất yêu cầu về chất lượng./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam