Chuyện "văn hoá nhường" khi tham gia giao thông

(NTO) Trong mỗi gia đình Việt, ông bà, cha mẹ thường dạy dỗ, nhắc nhở con cháu phải xem “kính trên, nhường dưới” như là một chuẩn mực trong quan hệ giữa người với người, mà trước tiên là xử sự với nhau ở gia đình, dòng họ rồi đến chòm xóm láng giềng, ra ngoài xã hội. Và có lẽ, cái sự “kính trên, nhường dưới” đã trở thành nét văn hoá đặc trưng thuần tuý của dân tộc Việt Nam ta.

Nhưng, nếu ai đó làm cuộc trải nghiệm việc tham gia giao thông sẽ cảm nhận được ngay nét đẹp “văn hoá nhường” mà cha ông ta đã xây dựng, gìn giữ đang bị một số người điều khiển ô-tô, xe máy, xe thô sơ… làm mai một.

Dừng xe nhường đường cho người đi bộ. Ảnh minh họa

Một du khách Việt Nam khi ở Thái Lan, quan sát người Thái tham gia giao thông lúc kẹt đường, thầm thốt lên rằng “nếu có ai đó vượt lên” thì sẽ ra sao? Đó là lần kẹt xe nghiêm trọng, ô-tô, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau thành hàng dài trên đường cả cây số. Phía bên hè phố rộng rãi, thoáng mát chỉ lác đác vài người đi bộ nhưng người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông vẫn kiên trì nhích từng mét, từng mét dù không có bóng một cảnh sát giao thông. Du khách Việt chợt nghĩ, nếu ở Việt Nam ta thì những người điều khiển xe đạp, xe máy đã nhanh chóng tràn lên vỉa hè để “mạnh ai nấy đi”. Sau đó hỏi thăm người Thái, anh được biết, ở nước bạn việc tham gia giao thông có trật tự, đúng luật đã trở thành ý thức tự giác, là văn hoá của mỗi người khi tham gia giao thông. Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi anh bạn du khách Việt chúng ta thầm nói “nếu có ai đó vượt lên”!?

Trong nhiều lần đưa đón con đi học, chỉ cần kim đồng hồ đo tốc độ xe máy nhích lên trên 30 km là cháu nhắc nhở “ba chạy dưới 30 thôi”, đến nơi đường giao nhau có cột đèn tín hiệu giao thông nhìn thấy đèn đỏ cháu nhắc nhở “đèn đỏ dừng lại”. Khi xe máy chuẩn bị qua đường, cháu (ngồi trước) tự mở đèn xi nhan xin qua đường. Nhờ cháu nhắc nhở nên trong quá trình tham gia giao thông dù có những tình huống bất ngờ (không dự báo được) như xe phía trước đột ngột qua đường…tôi và cháu vẫn an toàn. Nhưng có những lần cháu hỏi, tôi không biết trả lời cháu thế nào: Ba ơi, đèn đỏ sao ô-tô vẫn chạy; Đèn đỏ sao xe máy cứ chạy vù vù không cho cha con mình đi; Ba ơi, qua đường sao người ta không mở đèn xi-nhan báo hiệu… Trẻ nhỏ ngạc nhiên hỏi, còn người lớn thì cứ vô tư điều khiển xe theo ý muốn của mình!

Đem chuyện con trẻ hỏi trao đổi với mấy cô, chú cùng cơ quan, có người nói vui “ông cứ bảo cháu, từ xa xưa (lúc chưa có các phương tiện tham gia giao thông) đường ta ta cứ đi nay cũng vậy, thành thói quen rồi”!? Thế còn vấn đề an toàn thì sao, tôi hỏi lại. Anh bạn chỉ lên trời “nhờ ông bà, nhờ trời đỡ chứ biết sao”. Thế rồi, nhớ lại những lần đèn xanh tôi mới nhớm xe ra đường (phần đường mình được chạy) thấy xe máy vượt đèn đỏ với tốc độ khoảng 60 km/giờ trở lên, tôi kịp thắng lại chờ họ qua, lòng tự nhủ: Chậm chút nhưng yên tâm. Đang chạy bình thường xe phía trước đột ngột chuyển hướng, hoặc quay ngoắt 180 độ thắng gấp kịp dừng xe lại, chợt nhói tim nhưng không sao cả... Từ việc bản thân tham gia giao thông tôi rút ra cho mình bài học quan trọng nhất là khi gặp các “hảo hán” coi đường giao thông công cộng như đường riêng của mình: Họ có vượt đèn đỏ, rẽ ngang dọc đột ngột, họ có rú ga nẹt pô, lạng lách... trên đường phố cứ “nhường đường” để "các ông" đi. Ông bà ta đã dạy “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, trong khi việc tham gia giao thông của một số người còn tuỳ tiện, sự răn đe của pháp luật chưa đủ mạnh thì cứ coi những người chạy xe vô luật là “voi” để xử sự là an toàn nhất. Nghe tôi giãi bày, mấy anh chị cùng cơ quan đều nhất trí “phải xây dựng văn hoá nhường” cho mỗi người khi tham gia giao thông để ít ra người nước ngoài có đến tỉnh ta đầu tư kinh doanh, sản xuất họ cũng yên tâm mỗi khi ra đường.

“Văn hoá nhường” là nét đẹp trong quan hệ xử sự của người Việt lẽ nào chúng ta không vận dụng phát huy trong tham gia giao thông để an toàn cho mọi người, mọi nhà, để con người thân thiện hơn, yêu thương nhau hơn. Bỗng nhiên tôi ao ước rằng, việc ra đường hàng ngày sẽ không còn là nỗi lo của riêng ai và được đi trên các con đường quê hương mỗi người đều có dịp cảm nhận hơi thở của cuộc sống, vẻ đẹp của phố phường, thôn xóm nhờ có những con đường kết nối muôn nẻo quê hương, đất nước.