Hỏi- đáp: Sức khỏe

 * Hỏi:

Làm thế nào để phát hiện bị bướu cổ, nếu bị thì bệnh có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

* Trả lời:

Bướu cổ là sự tăng thể tích của tuyến giáp trạng. Bệnh bướu giáp đơn thuần (thường gọi là bướu cổ đơn thuần) có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Một trong số đó là do thiếu iod. Hậu quả của thiếu iod còn nặng nề hơn, bởi có thể dẫn đến suy giáp và chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ em cũng như người lớn.

Có thể phát hiện bệnh bướu cổ bằng mắt đơn thuần đó là sờ nắn, yêu cầu bệnh nhân nuốt. Một trong những triệu chứng điển hình phát hiện bướu cổ là nuốt khó, khó thở khi bướu dần lớn lên.

Bướu cổ đơn thuần thì không đáng lo ngại vì có thể tự hết nhưng có ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Nhưng nếu bướu cổ có nguy cơ bị ác tính thì rất nguy hiểm. Vì thế, khi biết bị bướu cổ, tốt nhất hãy tới bác sĩ chuyên khoa nội tiết để thăm khám và làm các xét nghiệm bướu cổ có kèm theo các triệu chứng cường giáp hay thiểu năng giáp để điều trị kịp thời...

Để phòng tránh bướu cổ việc ăn uống rất quan trọng, nhất là ăn đầy đủ chất iod là điều cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở những nơi xa biển.

Khi bị bướu cổ, cần tránh ăn nhiều thực phẩm như: bắp cải, củ cải, đậu nành vì những thực phẩm này làm cản trở sự hấp thu iod.

* Hỏi

Em thường gặp tình trạng bị chảy máu khi đáng răng. Có phải do em đánh răng mạnh tay làm ảnh hưởng đến chân răng hay không? Xin bác sĩ tư vấn cho em về tình trạng này

Bác sĩ Đoàn Hồ Điệp, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare:

* Trả lời

 Chảy máu chân răng khi chải răng là một tình trạng xảy ra phổ biến trong cuộc sống. Hầu hết các trường hợp này thường do viêm nướu răng hoặc viêm nha chu gây ra.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý viêm nướu và viêm nha chu, như vôi răng (thường gặp nhất), do phục hình răng không tốt, thay đổi hormone ở phụ nữ mang thai… Ngoài ra, có một số bệnh lý toàn thân cũng có thể gây chảy máu chân răng như máu khó đông, Leucemia…

Biện pháp giải quyết tình trạng chảy máu chân răng là bạn nên khám răng miệng định kỳ (6 tháng/lần) để được bác sĩ kiểm tra và vệ sinh răng miệng cho bạn cũng như chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, bạn có thể súc miệng thêm nước muối sinh lý hoặc các nước súc miệng trị viêm nướu, bổ sung thêm Vitamin C để nướu được khỏe mạnh hơn.

Về vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn nên chải răng ngay sau bữa ăn (trong khoảng 1 tiếng sau). Bạn nên lựa chọn loại bàn chải có phần lông thật mềm và chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu cũng như gây mòn răng. Đồng thời, bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại