Giám đốc các ĐH vùng gỡ “rối” cho thí sinh: Hãy đăng ký xét tuyển trực tuyến!

Đây là chia sẻ của GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng và GS.TS Đặng Kim Vui – GĐ ĐH Thái Nguyên với báo GD&TĐ sau khi kết thúc công tác nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1.

 Theo dõi tình hình nộp, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các trường ĐH thành viên trong suốt 20 ngày qua, lãnh đạo các ĐH vùng và các chuyên gia Ban Khảo thí đã đưa ra những kinh nghiệm cho cả đơn vị xét tuyển lẫn thí sinh, tránh được những vướng mắc trong việc nộp, rút hồ sơ xét tuyển đợt 2.

Trường ĐH chuẩn bị kỹ lưỡng, thí sinh cân nhắc lượng sức mình

Đó là chia sẻ kinh nghiệm của GS.TS Trần Văn Nam khi trao đổi với phóng viên báo GD&TĐ. Ông cho biết:

ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng, có nhiều trường thành viên nên có rất nhiều chuyên ngành, nhiều khối và nhiều tổ hợp xét tuyển.

Vì vậy, trước ngày thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT, ĐH Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng ở tất cả các khâu: Từ phần mềm thu nhận hồ sơ; trang thiết bị hỗ trợ (máy tính, máy in, hệ thống mạng, máy phát số, máy gọi tên điện tử); bố trí địa điểm thuận lợi và phân tán để tránh ùn tắc cục bộ.

Về con người, ĐH Đà Nẵng phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, huy động sự hỗ trợ của lực lượng sinh viên tình nguyện, có tập huấn chu đáo trước khi tiến hành công việc nên không bị động trong những ngày đầu tiên.

Trong quá trình tuyển sinh, chúng tôi tuân thủ nghiêm chỉnh tất cả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và sử dụng công cụ phần mềm của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cũng rất quan tâm và có sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát đến công tác tuyển sinh.

Qua xét tuyển đợt 1, ĐH Đà Nẵng có một số lưu ý với các thí sinh như sau:

Để giảm thời gian chờ đợi của thí sinh, ngay trong đợt 1, chúng tôi khuyến khích thí sinh đăng ký trực tuyến trước khi đến nộp hồ sơ trực tiếp. Nếu như thế, mỗi thí sinh chỉ mất khoảng 30 giây để hoàn chỉnh hồ sơ.

ĐH Đà Nẵng đã bố trí riêng một khu vực cho những thí sinh đã đăng ký trực tuyến đến làm thủ tục, không phải xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên, số lượng thí sinh sử dụng đăng ký trực tuyến tại ĐH Đà Nẵng không nhiều. Những thí sinh ở xa nên gửi hồ sơ qua đường bưu điện, vì việc xử lý là như nhau hoặc ĐKXT ngay tại các Sở GD&ĐT.

Thí sinh cũng tránh những nhầm lẫn không đáng có như xét tuyển đợt 1 nhưng lại gửi phiếu của đợt 2, rồi HS phổ thông nhưng lại đăng ký ngành của liên thông, sai tổ hợp xét tuyển…

Thậm chí, có những thí sinh muốn đăng ký vào một trường ĐH khác trên địa bàn nhưng không phải là trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng tìm đến ĐH Đà Nẵng để nộp hồ sơ…

Ông đánh giá thế nào về mặt bằng chất lượng cũng như tính phân loại của kỳ thi năm nay so với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đó?

- Từ phổ điểm kết quả thi THPT quốc gia đã dự báo về số lượng thí sinh ở mức điểm 18 – 23 sẽ rất lớn, số lượng thí sinh trên 25 điểm không nhiều.

Thực tế lượng hồ sơ nộp vào ĐH Đà Nẵng những ngày qua đã phản ảnh đúng như dự báo. Chính do lượng thí sinh tập trung ở dải điểm này khá lớn nên độ chênh lệch điểm chuẩn tạm thời giữa các ngành rất ít.

Ngoài ra, do đặc thù của tuyển sinh năm nay là thí sinh được thay đổi trường, ngành đăng ký theo số điểm công bố nên thí sinh trên toàn quốc biết được thông tin và chủ động nộp hồ sơ cũng là nguyên nhân dẫn đến ít có sự chênh lệch về điểm trúng tuyển giữa các ngành.

Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh bằng cách cho phép điều chỉnh nguyện vọng tại các Sở GD&ĐT. Nhưng có vẻ như thí sinh vẫn không “mặn mà” lắm, bởi số lượng đăng ký điều chỉnh tại các Sở GD&ĐT là rất ít. Dường như tâm lý chung của thí sinh và người nhà trong xét tuyển đợt 1 vừa qua là cái gì cũng phải trực tiếp đến tận nơi mới yên tâm. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Hiện nay tất cả các Sở GD&ĐT đã được trang bị CNTT đầy đủ, đồng bộ và đã có kinh nghiệm trong việc xử lý hồ sơ tuyển sinh, phối hợp với các trường ĐH và CĐ toàn quốc trong tuyển sinh "3 chung" trước đó. Vì vậy, năm nay, việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia rất thuận lợi và trơn tru.

Trong việc xét tuyển năm nay, mặc dù Bộ GD&ĐT đã cho phép điều chỉnh nguyện vọng tại Sở GD&ĐT nhưng thí sinh chưa mặn mà. Ngoài lý do tâm lý muốn trực tiếp đến nộp, rút hồ sơ tại trường cho yên tâm, tôi nghĩ còn có thêm một lý do khác nữa.

Bộ GD&ĐT cho phép điều chỉnh hồ sơ ĐKXT thông qua các Sở GD&ĐT vào những ngày giữa của đợt xét tuyển nên thí sinh chưa quen và chưa thực sự yên tâm với cách thay đổi này.

Ngoài ra, do một số trường cập nhật thông tin chậm hoặc không đúng mẫu quy định, thí sinh khó theo dõi nên sau khi thí sinh đã có yêu cầu thay đổi nguyện vọng tại Sở thì vài ngày sau, thông tin mới được cập nhật, thí sinh không chắc chắn về việc thay đổi có hiệu lực hay không, nên tỏ ra lo lắng.

Chính vì vậy, muốn tin tưởng thì thí sinh phải am hiểu, nên cần phải truyền thông nhiều hơn; tất cả các Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ cần phải tuân thủ đúng quy định thì mới tạo được lòng tin của thí sinh và phụ huynh.

Trong quá trình xử lý hồ sơ, chúng tôi gặp một số trường hợp thí sinh đã có yêu cầu chuyển trường, đăng ký thông qua Sở GD&ĐT, nhưng sau đó lại đến yêu cầu rút hồ sơ trực tiếp làm hệ thống rất khó xử lý.

Thí sinh cân nhắc nguyện vọng cá nhân và thông tin trong danh sách công bố

Đây là nhấn mạnh của GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên với các thí sinh khi đăng ký xét tuyển đợt 2. Cụ thể:

Trong đợt ĐKXT nguyện vọng 2, thí sinh cần biết lựa chọn giữa nguyện vọng bản thân và hiện trạng thông tin trong danh sách hồ sơ ĐKXT được các trường công bố, cập nhật, từ đó quyết định phương án ĐKXT tối ưu. Đồng thời, thí sinh cũng phải liên tục cập nhật thông tin ngành định ĐKXT trên trang web tuyển sinh của các trường.

Về phía các trường ĐH tuyển sinh, phải tích cực cập nhật những thông tin tuyển sinh trên trang web của mình để thí sinh tiện theo dõi. Đồng thời trong công tác xét tuyển, phải bố trí cán bộ, sinh viên hỗ trợ, địa điểm... nhận/trả hồ sơ ĐKXT một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất.

Trong đợt ĐKXT nguyện vọng 2 tới đây, các trường nên khẩn trương triển khai và tập trung không kéo dài, tránh tình trạng thí sinh đủng đỉnh trong chọn trường.

Thời gian xét tuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, gây tâm lý chờ đợi, lo lắng không cần thiết trong thí sinh và người nhà. Tuy nhiên công tác ĐKXT phải trên tinh thần tôn trọng quyền lựa chọn của thí sinh, không ép buộc các em dưới mọi hình thức.

ĐH Huế: Thầy cô làm việc cả đêm để sớm thông tin cho thí sinh

Đến ĐH Huế lúc này mới thấy trong phòng làm việc dù bật điều hòa mà không khí khẩn trương, nghiêm túc còn “nóng” hơn thời tiết nắng nóng ngoài trời.

PGS.TS.Hoàng Hữu Hòa - Trưởng ban Khảo thí, Ủy viên Thường trực Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế năm 2015 chia sẻ: Cả đêm 20/8 và ngày 21/8, chúng tôi làm việc cật lực để tránh những sai sót khi công bố điểm chuẩn cho thí sinh trước ngày 25/8 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Vì quyền lợi của thí sinh, chúng tôi có động lực làm việc và động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc.

PGS.TS Hoàng Hữu Hòa lưu ý: Trong đợt tuyển sinh tới, thí sinh cần đặc biệt lưu ý tránh nhầm lẫn phiếu nguyện vọng. Trong số hơn 14.000 hồ sơ nộp vào ĐH Huế đợt xét tuyển NV 1, có 384 hồ sơ không hợp lệ, trong đó có nhiều hồ sơ nộp phiếu nguyện vọng bổ sung thay vì phiếu NV1.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại