Vấn đề hôm nay:

Nỗi lo đầu năm học mới!

(NTO) Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong năm học mới 2015-2016 toàn tỉnh có gần 133.000 học sinh ở các cấp học, thuộc 325 đơn vị trường học. Trong đó có 90 trường mầm non với trên 22.200 trẻ, 152 trường tiểu học với trên 57.100 học sinh, 64 trường THCS với 36.000 học sinh và 19 trường THPT với trên 16.000 học sinh.

Nêu ra con số này để thấy rằng nhu cầu học tập của học sinh ở các cấp, bậc học trên địa bàn tỉnh là không nhỏ và theo đó là yêu cầu đáp ứng cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh luôn là “áp lực” mà ngành GD&ĐT tỉnh nhà phải ra sức thực hiện với yêu cầu là phải đạt được kết quả cao nhất.

Học sinh Trường TH Dư Khánh (Khánh Hải, Ninh Hải) bước vào năm học mới 2015- 2016.
Ảnh: Trang Nhung

Trong không khí hân hoan của học sinh và cả phụ huynh đón chào năm học mới, đây đó vẫn “phảng phất” nỗi lo về nhiều mặt, nếu không muốn nói là nỗi lo “muôn thuở”!. Đặc biệt là năm nay, do tình hình hạn hán diễn ra trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến thu nhập, đời sống, việc làm của hàng chục ngàn nông hộ và người dân sống ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các địa phương bị hạn nặng chủ yếu ở các xã vùng cao, vùng sản xuất dựa vào nguồn nước ngầm, các hồ, đập thủy lợi... Đáng nói là không chỉ thất thu một mà là 4 vụ liên tiếp, nhiều nơi phải hưởng trợ cấp lương thực, nước uống...nên vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều gia đình khó có thể lo chu toàn cho con em sách vở, quần áo... tinh tươm để đến trường. Một nỗi lo khác là tuy cấp tiểu học trường công lập không phải đóng học phí; miễn giảm học phí đối với trẻ em học mẫu giáo; học sinh nghèo; con em gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...theo quy định nhưng liệu nhà trường có “cảm thông” để “miễn” các khoản thu “tự nguyện” do nhà trường và hội phụ huynh học sinh “phát động”!. Đối với học sinh cấp THCS trở lên cũng vậy. Trong điều kiện sản xuất của gia đình thất thu, nhiều học sinh đến lớp học đã là một nỗ lực lớn từ cha mẹ và các em nhưng nếu “buộc” phải đóng từ học phí đến các “phụ phí” vượt quá khả năng thì vô hình trung sẽ tạo “áp lực” nợ nần cho gia đình các em. Đó là chưa nói đến hệ lụy các em sẽ bỏ học, nhất là học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm nhẹ nỗi lo từ phía học sinh ở năm học mới này?. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mong muốn của đa số phụ huynh đó là ngành giáo dục cần quy định nghiêm các khoản thu ngay từ đầu năm học, gắn với thực hiện công khai, minh bạch, có lý có tình... để phụ huynh yên tâm chăm lo, động viên con em khắc phục khó khăn trước mắt để tập trung học tập tốt. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn tài trợ về học bổng, sách giáo khoa, tập vở... cho học sinh nghèo, vượt khó; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc vùng “tâm hạn”... Ngành giáo dục cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, bảo đảm cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh...

Thiết nghĩ, nếu làm tốt các yêu cầu nêu trên sẽ tạo đồng thuận giữa phụ huynh học sinh với ngành giáo dục, vừa chung tay vượt qua khó khăn, vừa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học mới.