Hiệu quả tưới tiết kiệm nước ở vùng rau An Hải

(NTO) An Hải (Ninh Phước) là xã vừa có đồng bằng, vừa có bãi ngang ven biển với tổng diện tích tự nhiên 2.091,98 ha, trong đó có 1.210,77 ha đất nông nghiệp (chiếm 57,9%), còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Dù có 23,5 % diện tích là đất cát bạc màu, nhưng có nguồn nước ngầm dồi dào có thể sản xuất quanh năm, nên An Hải đã trở thành vùng trồng rau an toàn (RAT) trọng điểm của Ninh Phước.

Vùng trồng RAT xã An Hải hiện có 180 ha do 257 hộ nông dân trồng, tập trung chủ yếu tại 3 thôn Nam Cương (50 ha, 80 hộ), Tuấn Tú (120 ha, 157 hộ) và Hòa Thạnh (10 ha, 20 hộ), vốn là vùng đất cát khô khan. Để có thể khai thác hợp lý nguồn nước tưới, địa phương đã phát triển hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm trên rau màu, đáng chú ý là nhiều hộ đang thử nghiệm mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP. Đồng chí Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết: “Vùng trồng RAT đang có 400 hộ nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm canh tác diện tích 150 ha rau màu, trong đó thôn Tuấn Tú có 310 hộ (120 ha), thôn Nam Cương có 70 hộ (20 ha) và thôn Hòa Thạnh có 20 hộ (10 ha)”. Đi trong vùng trồng RAT, chứng kiến hình ảnh của các dàn ống nước đồng loạt phun tưới tạo ra màn sương làm dịu mát không khí oi bức và làm cho màu sắc các đám ruộng rau luôn tươi hơn. Anh Nguyễn Thảo, thôn Nam Cương, có 5 sào rau tưới nước tiết kiệm, phấn khởi nói: “Sử dụng hệ thống này không chỉ tiết kiệm nước, mà kể cả tiết kiệm thời gian, công lao động, mình chỉ việc mở van rồi đi làm chuyện khác chứ không canh theo nước, mà rau lại cho năng suất cao hơn”.

 
Tưới nước tiết kiệm cho RAT tại thôn Nam Cương.

Tuy nhiên cũng trên vùng đất canh tác này, chỉ cách nhau một con đường, nhiều rẫy đất bị nhiễm mặn buộc các hộ nông dân phải sử dụng bơm dẫn nước theo rãnh tưới tràn mới đủ đáp ứng cho rau trồng tăng trưởng. Anh Nguyễn Văn Minh Quang, thôn Nam Cương, có 1,5 sào đất trồng măng tây xanh chia sẻ: “Trước đây tôi cũng có dàn ống tưới nước tiết kiệm, nay đất nhiễm mặn tôi phải dẫn nước theo rãnh tưới tràn nên nhọc công và đầu tư cao hơn, dù vậy trừ chi phí mỗi tháng tôi lãi trung bình 5,5-6 triệu đồng từ thu hoạch măng tây xanh trồng theo hướng VietGAP”. Theo nhiều nông dân ở đây, do khô hạn kéo dài, nguồn nước ngầm xuống thấp nên có nhiều đám rẫy không thể sử dụng phương tiện tưới nước tiết kiệm, đó là điều mà mọi người đều lấy làm tiếc.

Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm bộc lộ rõ tại thôn Tuấn Tú, vốn có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự thôn Nam Cương. Theo anh Kiều Thanh Thoàng, Trưởng thôn Tuấn Tú, dù không có công trình thủy lợi nào, nhưng nhờ mô hình tưới nước tiết kiệm, cây trồng vẫn được tưới đủ nước để sinh trưởng, đem lại nhiều hoa lợi cho người dân địa phương. Đơn cử nhờ tưới nước tiết kiệm, bà Kiều Thị Đăng trồng 1 ha đậu phộng, trung bình 3 tháng thu hoạch, trừ chi phí còn lãi bình quân 30 triệu đồng, hay như ông Châu Văn Năng, trồng trên 1 ha rau đều đạt năng suất cao. Nhìn chung qua tác động của hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng trồng RAT An Hải được nhân rộng đem lại lợi nhuận cho nông dân, chẳng hạn mô hình trồng măng tây xanh với diện tích 8,2 ha, năng suất bình quân 13,5 tấn – 16,2 tấn/1 ha/năm, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Theo đánh giá của UBND xã An Hải, mô hình tưới nước tiết kiệm đã tác động cây trồng phát triển mạnh, tiết kiệm nguồn nước ngầm (nhất là trong điều kiện hạn hán đang diễn ra), tiết kiệm lao động so với tưới tràn và giảm chi phí sản xuất (công tưới nước, thuốc bảo vệ thực vật..), bảo vệ môi trường. Ngoài ra, kết hợp với ứng dụng tưới nước tiết kiệm, các mô hình sản xuất ở vùng trồng RAT đã giúp tăng thu nhập bình quân của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,96% vào năm 2010 xuống còn 5,56% trong năm nay, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thôn Nam Cương đến năm 2015 chỉ còn chiếm 0,3%. Theo định hướng từ nay đến năm 2020, An Hải tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình sản xuất RAT, tưới nước tiết kiệm và trồng cây măng tây xanh, trong đó dự kiến sẽ mở rộng diện tích vùng sản xuất RAT lên 230 ha.

Gần đây, Quỹ CSG (Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh) thuộc Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đã hỗ trợ 22.100 hạt giống cho 4 tổ nhóm trồng măng tây xanh của các thôn Nam Cương, Tuấn Tú. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Quỹ CSG sẽ tiếp tục hỗ trợ mỗi hộ thành viên tổ nhóm về vật tư phân thuốc, máy bơm và ống nước để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Điều này cho thấy ứng dụng tưới nước tiết kiệm đang được dự án chú ý đầu tư nhằm duy trì và phát triển thêm chuỗi giá trị RAT trên vùng đất cát khô hạn.