Phòng bệnh nhiễm não mô cầu

(NTO) Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã có 7 ca mắc bệnh nhiễm não mô cầu, trong đó có 1 ca đã tử vong. Theo thống kê hàng năm, số ca mắc bệnh não mô cầu trên cả nước chỉ khoảng 100 ca nhưng tỷ lệ tử vong khá cao; nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về tâm thần kinh và vận động. Mặc dù hiện nay đã có kháng sinh điều trị hiệu quả và vắc-xin phòng bệnh được đa số trường hợp, nhưng bệnh nhiễm não mô cầu vẫn còn là vấn đề y tế, xã hội trên toàn thế giới.

Bệnh thường xảy ra nhiều ở miền Bắc nước ta vào những tháng lạnh và miền Nam vào các tháng 6, 7, 8. Người lành mang trùng là nguồn mang mầm bệnh quan trọng. Bệnh lây từ giọt nước bắn ra khi ho, hắt hơi của người mang trùng với người tiếp xúc gần hít phải. Điều kiện ở chật chội, nơi tập trung đông người dễ bị lây bệnh. Tuổi dễ mắc từ 6 tháng đến 3 tuổi, hoặc thanh thiếu niên từ 14 – 20 tuổi, ít gặp ở người trên 20 tuổi.

Thời gian ủ bệnh trong vòng 2-10 ngày. Bệnh cảnh lâm sàng có thể xảy ra nối tiếp nhau như viêm họng do não mô cầu, nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc tổn thương cơ quan khác. Viêm họng do não mô cầu khó chẩn đoán vì phân lập được vi trùng từ họng người bệnh cũng không xác định được nguyên nhân bởi phần lớn người mang não mô cầu ở mũi họng là người lành mang trùng. Nhiễm trùng huyết do não mô cầu có nhiều hình thức thay đổi, từ thể tối cấp diễn tiến trong vòng vài giờ là tử vong, đến nhiễm trùng huyết cấp trong vòng vài ngày và trường hợp nhiễm trùng huyết mạn tính kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần. Khởi bệnh thường đột ngột, người bệnh mệt nhọc, đau họng, ho, nhức đầu… Tiếp theo là sốt cao 39o-40o C, ớn lạnh, rét run nhiều lần, mạch nhanh, thở nhanh, nôn ói, đau khớp, đau cơ, đau nhiều ở sống lưng và hai chân. Hình ảnh đặc hiệu nhất là tử ban. Tử ban xuất hiện trong khoảng 70% trường hợp, màu đỏ, tím thẫm, kích thước từ vài milimét đến vài centimét, bề mặt phẳng, không gồ lên mặt da, có khi hoại tử vùng trung tâm, đôi khi có dạng bóng nước, tràn lan giống như hình bản đồ; thường thấy ở vùng nách, hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân). Tử ban tràn lan nhanh dễ diễn tiến đến thể tối cấp… Điều trị bệnh nhiễm não mô cầu rất khó khăn, tỷ lệ thất bại chiếm đến 8 – 10% dù điều trị tích cực.

Phòng bệnh:

- Mọi người cần thực hiện phòng bệnh chung lây nhiễm qua đường hô hấp như: Không khạc nhổ bừa bãi; dùng khăn, giấy (tay) che miệng khi ho, hắt hơi. Khi mắc bệnh đường hô hấp, cần chủ động mang khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Người mắc cảm, cúm nên hạn chế đến chỗ đông người.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

- Đối với tập thể có nguy cơ cao nên cho uống thuốc ngừa sớm khi có dịch xảy ra theo chỉ định của thầy thuốc, không được tự ý dùng thuốc để phòng vi khuẩn kháng thuốc.

- Chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin chủng ngừa não mô cầu chỉ phòng được nhóm A và C, và tiêm cho trẻ em trên 2 tuổi trong vùng có dịch xảy ra.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và giám sát ca bệnh.