Chuyện “học trò G7”

(NTO) Đố ba biết G7 là gì? Chiều đến trường học đón con, nghe cháu hỏi, mình như được lập trình sẵn trả lời: G7 là tổ chức của bảy nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Ca-na-đa. Chắc như đinh đóng cột, vậy mà con bé nói “sai bét”. Rồi vui mừng thông báo: Con được vào Hội học trò G7 rồi nhé! Chà, thế giới có tổ chức G7, còn học sinh ta có Hội học trò G7, vậy là ba sai rồi nhé.

Thế rồi mang chuyện “Học trò G7” hỏi cô bạn là giáo viên Trung học phổ thông của thành phố. Cô giáo cho biết “Học trò G7” ban đầu chỉ xuất hiện ở một vài trường có học sinh là con em các gia đình giàu có, đại gia, được cha mẹ đưa đón đi học bằng xe ô tô. Hội “Học trò G7” sau đó có thêm các cháu là học sinh giỏi xuất sắc, vậy nên chúng ngầm mặc định đẳng cấp “Học trò G7” (học sinh nhà giàu và học giỏi). Không ầm ĩ như “Học trò G7” đẳng cấp, ở các trường từ tiểu học trở lên cũng hình thành tự nhiên nhóm “Học trò G7” là con em các gia đình có kinh tế khá giả. Nghe cô giáo giảng giải, tôi góp vui: Sau G7 sẽ là G11, G20… và có lẽ tương lai hệ thống giáo dục quốc dân sẽ chuyển sang sử dụng ký tự G để gọi các cung bậc học trò. Tìm hiểu thêm, mới biết nhóm học sinh G7 thường học hành bình bình nhưng tiêu xài thì đúng là đẳng cấp. Học trò G7 nhìn là biết ngay, cũng đồng phục của trường nhưng là vải ngoại đắt tiền, may ở các tiệm danh tiếng, xài điện thoại luôn là Iphone đời mới nhất, đi xe máy điện hoặc xe tay ga nhập khẩu loại đắt tiền. Đặc điểm dễ nhận biết nhất ở nhóm “Học trò G7” là “chảnh” bởi chúng tự coi mình là tầng lớp “thượng lưu” của trường, lớp.

Câu chuyện “Học trò G7” do anh bạn sống ở thành phố lớn kể lại, nhưng có gì đó tương tự học sinh quê mình. Có lần con gái tôi đang học “năm thứ hai” trường tiểu học thành phố, cháu khoe: Lớp con toàn đại gia với đại ca. Tôi bất ngờ bởi cách sử dụng từ của cháu. Rồi cháu giảng giải: Nhóm đại gia, đứa nhà giàu nhất cha mẹ có nhà bảy lầu, xe hơi… Tôi nhẹ nhàng hỏi: Thế con tham gia nhóm nào? Con chơi với cả lớp, mà con nói gì chúng nó cũng nghe theo. Vậy con làm lớp trưởng phải không? Chúng nó bướng lắm, làm lớp trưởng chi cho mệt… Và những lúc chở con đi học tầm một giờ chiều, trên đường bắt gặp những cô bé, cậu bé học trò tiểu học, người thấp bé nhỏ vai mang cặp sách lớn hơn người, đội cái nắng chang chang tới trường, tôi hỏi cháu: Các bạn đi học kia là đại gia hay đại ca? Không chút đắn đo cháu trả lời: Nhà mấy bạn đó nghèo lắm!? Chỉ là học sinh lớp hai, cái tuổi biết ăn, biết chăm học, biết chơi là ngoan lắm rồi, thế nhưng, tuổi thần tiên ở trẻ thơ giờ đã biết thế nào là giàu, nghèo, là đại gia với đại ca.

Chuyện “Học trò G7” cho thấy sự phân hóa giàu nghèo trong nền kinh tế thị trường và phân tầng xã hội đã len lỏi vào ký ức những đứa trẻ thơ ngây, các lớp học và từng bậc học phổ thông. Các bậc cha mẹ học sinh có biết con mình thuộc nhóm học trò G hay không và biết đâu đó là sự phân biệt đối xử của thầy, cô giáo góp phần tạo cho học trò tự hào mình là “Học trò G7”. Có lẽ những người là cha mẹ học sinh, các thầy, cô giáo, nhà trường cần thường xuyên giáo dục, định hướng cho các cháu việc yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau đối với bạn bè. Qua đó, bồi dưỡng học sinh hình thành nhân cách tốt đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để các cháu lớn lên thực sự là tương lai của nước nhà.