Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp- Thực tiễn từ Ninh Phước

(NTO) Có thể nói, những năm qua, huyện Ninh Phước là địa phương dẫn đầu trong tỉnh về ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi. Đáng nói là nhiều nông hộ ở các địa phương trên địa bàn huyện ngày càng nhận rõ hiệu quả của việc ứng dụng KH-CN, nhất là ứng dụng công nghệ cao nên đã tích cực hưởng ứng và ngày càng nhân rộng.

Ghi nhận từ các mô hình

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, về lĩnh vực trồng trọt hiện có các mô hình đã được ứng dụng và nhân rộng như: Mô hình thâm canh hành tím trên đất cát theo hướng VietGAP tại 2 xã Phước Hải và An Hải, mô hình thâm canh giống nho mới NH 01-48 theo hướng VietGAP, mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, mô hình trồng táo theo hướng VietGAP, mô hình “Cùng nông dân ra đồng”, mô hình sản xuất bắp nhân giống tại xã Phước Sơn và Phước Vinh (diện tích 500ha/năm); mô hình trồng rau măng tây xanh theo hướng VietGAP tại xã An Hải; mô hình sản xuất thử giống lúa cao sản MT10 (80ha). Đối với lĩnh vực chăn nuôi có các mô hình: Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học; cải tạo đàn cừu; mô hình nuôi heo địa phương tại thôn Tà Dương, xã Phước Thái; mô hình nuôi dê lai Bachboer tại xã Phước Hậu; mô hình kết hợp trồng táo và vỗ béo dê, cừu ở xã Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hậu; nuôi bò vỗ béo tại xã Phước Hải; nuôi heo thịt quy mô từ 600-2.000 con/trại và mô hình nuôi gà tập trung quy mô 120.000 con tại xã Phước Vinh; mô hình sind hóa đàn bò. Ngoài các mô hình nêu trên, những năm qua, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện đã từng bước thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất để vừa giảm sức người, giảm chi phí, đồng thời tăng năng suất và lợi nhuận... Có thể nêu một số mô hình như sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, máy tách hạt bắp; mô hình dùng cơ giới hóa trong chế biến cỏ cho gia súc; mô hình “Tưới nước tiết kiệm” trên rau màu, với diện tích trên 240,65ha... Mặt khác, các mô hình phòng trừ dịch bệnh, bón phân hiệu quả như: Mô hình sử dụng phân sinh học WEHG trên cây nho; sử dụng bẫy bả sinh học trong phòng trừ ruồi hại trái táo; mô hình sử dụng nấm Trichoderma trong chế biến phân hữu cơ vi sinh cho nông dân trồng rau màu... cũng được đưa vào ứng dụng.

 
Nông dân thôn Tuấn Tú (xã An Hải) chăm sóc cây măng tây xanh.

Điều cũng đáng ghi nhận từ thực tế Ninh Phước, đó là đã tổ chức khá thành công các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp theo chuỗi. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả cao, nhất là khâu ổn định tiêu thụ sản phẩm như mô hình sản xuất lúa giống 105ha giữa các hợp tác xã với nông hộ; mô hình liên kết trong sản xuất lúa sạch làm bún 20ha với Công ty Jimmy Hung Anh Food tại xã Phước Hữu; mô hình bắp nhân giống 268ha tại 2 xã Phước Vinh và Phước Sơn... Về chăn nuôi, có mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con/trại ở Phước Vinh... Chúng tôi thử tìm hiểu về mô hình liên kết trong sản xuất lúa sạch với công ty đã cho thấy hiệu quả khá bất ngờ: Năng suất bình quân đạt gần 70 tạ/ha, giá bán cao hơn giá thị trường bình quân 500 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 25,7 triệu đồng/ha, cao hơn lúa thương phẩm trên 7,2 triệu đồng... Hay như mô hình liên kết sản xuất bắp nhân giống đạt lợi nhuận cao hơn bắp thương phẩm gần 10,5 triệu đồng/ha.

Những hạn chế cần khắc phục

Có thể nói, hiệu quả của việc đưa KH-CN vào sản xuất đã được khẳng định, tuy nhiên vấn đề đặt ra là vì sao “tiến độ” nhân rộng còn chậm?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nhân rộng những mô hình đã được minh chứng từ thực tiễn sản xuất ở một số địa phương còn có những “điểm nghẽn”. Đầu tiên là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; vốn đầu tư cho ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; nhiều giống cây, con mới tuy phù hợp với điều kiện của địa phương, có hiệu quả nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu và áp dụng... Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là do diện tích đất sản xuất còn manh mún, phân tán, nên khó áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí đầu tư. Điều cũng đáng quan tâm là hiện vẫn còn một bộ phận nông dân ngại đổi mới, chưa thay đổi tập quán canh tác cũ, còn thói quen sản xuất những cây trồng, vật nuôi truyền thống, do đó chưa mạnh dạn đầu tư và áp dụng KH-CN vào sản xuất trên diện rộng, mặt khác việc vận động chuyển đổi theo hướng đa dạng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh gặp nhiều khó khăn... Ngoài ra, do chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể nên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn...

Để hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Phước trở thành Trung tâm sản xuất chất lượng cao, thiết nghĩ cần có những giải pháp cụ thể trong việc khắc phục có hiệu quả những hạn chế như đã nêu gắn với “tái cơ cấu” cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng hàm lượng KH-CN để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Cần có chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, các chủ trang trại có năng lực tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản cho nông dân...