Gỡ khó về vốn vay tín dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 51 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó nhiều HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, hầu hết các HTX đều gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, trong khi các ngân hàng lại chưa “mở rộng cửa” cho “đối tượng” vay này, trong khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện… như ý kiến một số lãnh đạo HTX nông nghiệp khi chúng tôi có dịp tiếp xúc đã phản ánh.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trong ảnh: Nông dân HTX Long Bình làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè - thu.

Thử tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên, theo báo cáo của Tổ công tác hỗ trợ giải quyết những vướng mắc trong vay vốn tín dụng nhằm xem xét, rà soát hồ sơ thủ tục vay vốn đối với các HTX (thành lập theo Quyết định 905/QĐ-UBND ngày 11-4-2016 của UBND tỉnh), cho thấy hầu hết các ngân hàng đã hướng dẫn, thẩm định cho HTX vay theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, cái “thiếu” của hầu hết các HTX là: Về hồ sơ pháp lý: Đối với Sổ (hay danh sách) đăng ký thành viên, các HTX chưa thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo các thông tin cần thiết. Về hồ sơ kinh tế: Đối với báo cáo tài chính, đa số các HTX chưa làm đúng theo mẫu quy định, mà chỉ làm tóm tắt một số chỉ tiêu để phục vụ thông tin nội bộ trong HTX. Đối với báo cáo thẩm định kết quả sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên không lập riêng, mà chỉ ký xác nhận chung vào báo cáo của HTX. Về vốn điều lệ: Vốn điều lệ thực góp của các HTX quá thấp, nhưng thời gian qua, các HTX chưa quan tâm đến việc tăng vốn điều lệ, điều này làm hạn chế đến khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn vay không đảm bảo bằng tài sản, vì theo quy định của Ngân hàng trong mọi trường hợp, phần vốn vay vượt quá số vốn điều lệ thực góp của HTX tại thời điểm vay vốn đều phải được đảm bảo 100% bằng tài sản, trong khi tài sản đủ điều kiện thế chấp của HTX hầu như không có…

Đơn cử như tại HTX Kinh doanh tổng hợp Gò Đền (Ninh Hải), đơn vị có nhu cầu vay vốn lưu động làm dịch vụ cung cấp phân bón cho xã viên. Ngay sau khi Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh và HTX ký hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn tại Hội nghị triển khai Nghị định 55 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 29-10-2015, Ngân hàng NN&PTNT huyện Ninh Hải đã nhiều lần làm việc với HTX về hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn để ký hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định HTX thực hiện chậm, đến thời điểm ngày 22-4-2016, hồ sơ đề nghị vay vốn của HTX còn thiếu báo cáo tài chính 2 năm liền kề 2014-2015; Báo cáo thẩm định kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2014-2015 của Ban kiểm soát; Sổ (danh sách) đăng ký thành viên; Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh vay vốn được đại hội thành viên nhất trí thông qua. Ngoài ra, HTX hiện còn nợ Ngân hàng 2 khoản vay từ năm 1997 với số tiền gốc 10.000 đồng và lãi 50.000.000 đồng. Vì vậy, ngoài hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn theo quy định, HTX trả gốc và thực hiện thủ tục đề nghị Ngân hàng miễn, giảm lãi vay.

Hay như đối với HTX Kinh doanh tổng hợp Công Hải (Thuận Bắc), vào tháng 12-2015, HTX có dự định vay vốn mua xe máy cày để làm dịch vụ nông nghiệp (làm đất). Ngân hàng NN&PTNT huyện Thuận Bắc đã đồng ý về chủ trương cho vay và làm việc với HTX để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn, hiện hồ sơ HTX gửi Ngân hàng tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu, hiện chỉ còn thiếu Báo cáo thẩm định kết quả sản xuất, kinh doanh của Ban kiểm soát và Phương án sản xuất, kinh doanh đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, theo HTX, vào thời điểm tháng 12-2015 và các tháng đầu năm 2016, do chưa vào vụ lúa chính cũng như tình hình hạn hán hiện nay gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên HTX đã có văn bản gửi Ngân hàng tạm thời chưa vay vốn đến khi tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thuận lợi, HTX sẽ bổ sung đầy đủ hồ sơ để vay vốn theo quy định…

Như vậy, không phải Nghị định 55 của Chính phủ chậm đi vào cuộc sống để “tiếp sức” cho các HTX nông nghiệp, mà chủ yếu vẫn là vướng về thủ tục pháp lý cần thiết do các HTX chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Đây chính là “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ để “dòng chảy” vốn tín dụng ngân hàng được khai thông, tạo đà cho các HTX nông nghiệp phát triển.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy định cụ thể mức vay vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Khoản 2, Điều 9: (Điều 9: Cơ chế bảo đảm tiền vay)

Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo theo các mức như sau:

a) Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c, Khoản 2, Điều này);

b) Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c, Khoản 2, Điều này);

c) Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

d) Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

e) Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;

e) Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

g) Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h, Khoản 2, Điều này;

h) Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ

 Ý KIẾN NGƯỜI VAY VỐN

Ông Nguyễn Thường Lang

(Khu phố 6, phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm):

Tôi đã có mối quan hệ với Agribank Chi nhánh Phan Rang- Tháp Chàm hơn 10 năm nay. Đầu năm 2016, tôi vay 170 triệu đồng để đầu tư giống nho, mở rộng sản xuất. Trong quá trình vay vốn, Ngân hàng hết sức tạo điều kiện cho tôi, thủ tục vay vốn nhanh, gọn.





 

Bà Nguyễn Thị Thủy

(Khu phố 3, phường Phủ Hà, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm),

Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Nông dân khu phố 3, phường Phủ Hà:

Hiện nay, tôi đang vay 30 triệu của Agribank Chi nhánh Phan Rang- Tháp Chàm để phát triển chăn nuôi. Có thể nói, ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Trong thời gian tới, tôi mong muốn được vay thêm vốn để đầu tư phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập cho gia đình.