Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp

(NTO) Thời gian qua, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Tuy vậy, vẫn còn những vướng mắc, bất cập, làm cho chủ trương chậm đi vào cuộc sống.

“Mở cửa” cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu để phát triển và hội nhập. Thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm thực hiện nội dung cơ bản của tái cơ cấu là chủ trương nhất quán của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp tỉnh ta luôn gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng quanh năm. Tuy vậy, đặc điểm khí hậu khắc nghiệt lại phù hợp với một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm: Nho, táo, tỏi, thịt cừu, sữa dê… là những “đặc sản” của tỉnh, chất lượng vượt trội so với nhiều địa phương khác. Tiềm năng có, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn chưa khai thác được lợi thế so sánh, bởi sản xuất manh mún, sản phẩm bán ở dạng thô, không tạo được giá trị gia tăng.

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Đề cập vấn đề phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để phát triển nông nghiệp bền vững, phải tổ chức lại sản xuất; trong đó, DN đóng vai trò chủ đạo làm trung tâm “kết nối” nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, làm thế nào để nông nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư, câu chuyện lại phải bắt đầu từ đổi mới cơ chế, chính sách. Nếu như chính sách ưu đãi đầu tư giữa các ngành, nghề như nhau, thì DN sẽ không “mặn mà” với nông nghiệp, bởi lĩnh vực này rủi ro cao, vốn quay vòng chậm. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có cơ chế ưu đãi đặc thù mới khuyến khích các thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Định hướng nông nghiệp đến năm 2020 của tỉnh là phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng và bền vững, dựa trên nền tảng nông hộ chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và có sự liên doanh, liên kết của DN. Trong đó, DN đóng vai trò chủ đạo, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng vùng chuyên canh áp dụng công nghệ cao. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo niềm tin cho DN an tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, ngày 17-8-2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 52/QĐ-UBND về ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Ảnh: VM

Quyết định nêu rõ, ưu tiên các dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở bảo quản chế biến các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: nho, táo, thịt gia súc, gia cầm để tạo ra giá trị gia tăng. Theo đó, các trường hợp được ưu tiên trước khi xem xét hỗ trợ đầu tư có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân và nhà đầu tư thành lập DN trên địa bàn tỉnh, để thực hiện các dự án đầu tư và triển khai dự án đúng theo cam kết. Nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và Trung ương. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung mức thấp nhất 1 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ cơ sở bảo quản, chế biến các mặt hàng nông sản không quá 60% chi phí và tổng mức đầu tư và tổng mức hỗ trợ không quá 1,5 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành một số chính sách khuyến khích xây dựng các vùng chuyên canh tập trung để tạo thuận lợi cho DN tham gia cùng với nông dân đầu tư vào sản xuất như chính sách xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Có thể nói, chưa bao giờ DN được ưu ái để tham gia vào “sân chơi mới” có nhiều triển vọng như hiện nay. Ngay như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) cũng đã cam kết cho vay theo mô hình chuỗi liên kết cả DN, nông dân, ngân hàng đều hưởng lợi; trong đó, ưu tiên vốn cho các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình công nghệ cao.

Những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào nông nghiệp

Từ chính sách ưu đãi của tỉnh, một số doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, đạt được những thành công nhất định.

Sản xuất giống cây trồng, thủy sản là lĩnh vực “hấp dẫn”, thu hút nhiều DN nhất. Đi đầu trong đầu tư sản xuất giống phải kể đến Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Tiến sỹ Vũ Xuân Long, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Thời gian qua, tỉnh luôn tạo điều kiện để công ty mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hoạt động liên kết sản xuất giữa công ty với các HTX và nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngày càng khắng khít hơn. Để đáp ứng cho việc phát triển thịnh vượng, đầu năm 2015, công ty đã nâng vốn điều lệ từ 16,5 tỷ đồng lên mức 20 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ luôn được giữ vững, đạt bình quân 5.000 tấn/năm giống lúa, 2.000 tấn/năm giống bắp lai và hàng ngàn tấn đậu xanh chịu hạn. Hình thức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết đảm bảo cho cả DN và nông dân đều có lợi. Ông Nguyễn Văn Thành (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) nhiều năm liền hợp đồng với công ty trồng bắp giống, cho biết: ‘Nhà nông được DN cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm với giá cao, nên rất an tâm”. Cùng với đó, các Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, Trung tâm Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố... cũng đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nhất là sản xuất, kinh doanh các loại giống thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân.

Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố cung ứng giống bắp lai cho nông dân  gieo trồng đạt năng suất cao.

Nhận thấy lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng, nắng ấm quanh năm thích hợp với sản xuất tôm giống, nhiều DN đã đầu tư làm ăn lâu dài, đưa tỉnh ta thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Hiện tại có 430 cơ sở tôm giống hoạt động hiệu quả với sản lượng và chất lượng tăng qua từng năm, đạt mức từ 20-24 tỷ con/năm. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào sản xuất tôm giống ngày càng cao của các DN, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước), quy mô 125ha và đang mở rộng thêm khu sản xuất ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) với diện tích 148ha. Từ chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đúng đắn, ngoài các DN trong nước, còn có nhiều công ty hàng đầu của nước ngoài như Grobbest, Uni-President, C.P, MoNa… cũng đã đến tỉnh ta đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng cao, tạo được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Tín hiệu đáng mừng, đó là hoạt động đầu tư của DN vào nông nghiệp gần đây được mở rộng thêm ở lĩnh vực chế biến các mặt hàng đặc thù của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi với những sản phẩm như rượu vang nho, mật nho, mứt nho, táo sấy khô… đã nâng tầm vị thế 2 loại trái cây đặc sản vùng nắng, gió Ninh Thuận. Đón nhận cơ hội mới của thời kỳ hội nhập, Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi đã mạnh dạn đầu tư về nhân lực và dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Xác định vai trò chủ đạo của DN, hằng năm, tỉnh ta tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với cơ chế thông thoáng, kèm theo chính sách ưu đãi mời gọi được một số DN đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, có 34 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trung tuần tháng 6 vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi bò theo mô hình công nghệ cao được xem là bước đột phá thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ngoài ra, một số DN cũng đã sẵn sàng tham gia vào vào lĩnh vực chăn nuôi dê sữa, chế biến thịt dê, cừu, bò, góp phần cung cấp mặt hàng nông sản sạch, an toàn cho người dân.

 Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp

Tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, thể hiện ở việc tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chính sách liên quan đến hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách hỗ trợ là đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp đạt được một số kết quả nhất định. Đối với thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Chính phủ, kết quả nổi trội là đã hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn cho diêm dân ở huyện Ninh Hải. Động thái tích cực này giúp các hộ duy trì sản xuất trong điều kiện giá muối xuống thấp như hiện nay. Về thực hiện nhân rộng các mô hình có hiệu quả theo Quyết định 11/2015/QĐ-UBND, ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh cũng đã tạo được chuyển biến tích cực. Trong 2015, đã phân bổ 900 triệu đồng từ vốn sự nghiệp ngân sách cho các huyện, xã nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Riêng năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục phân bổ 900 triệu đồng cho các địa phương nhân rộng mô hình, tập trung chủ yếu là mô hình VietGAP; bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi hại nho, táo và “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa…

Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống tôm post cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp dần đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy vậy, quá trình thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, kết quả chưa cao, nhất là chính sách tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn vướng về thủ tục, tài sản đảm bảo, nên các tổ chức, DN chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Các ngành, địa phương còn lúng túng trong lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nhân rộng các mô hình, dẫn đến kết quả chưa đạt như mong muốn. Đặc biệt, có những chính sách lớn mang tầm chiến lược, hướng sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo chuỗi giá trị như chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ thực hiện chậm. Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân các chính sách lớn về phát triển nông nghiệp chưa đi vào cuộc sống là có một số điểm không phù hợp với thực tế của từng vùng miền. Do vậy, đối với địa phương điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như tỉnh ta sẽ rất ít, hoặc không có DN được hỗ trợ. Ví dụ: Theo quy định, DN đầu tư cơ sở giết mổ gia súc muốn nhận được tiền hỗ trợ thì công suất giết mổ phải đạt 400 con/ngày-đêm, trong khi các cơ sở giết mổ hiện nay trên địa bàn tỉnh công suất chỉ mới 100-200 con/ngày-đêm. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ví von: Các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang nằm trong tình cảnh “con gà nhìn thấy hạt thóc trong chai nhưng không thể thò cổ vào gắp ra được”! Đó là chưa kể đến, chính sách xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa có nơi nào nhận được hỗ trợ, nguyên nhân chính là do các địa phương không thực sự quan tâm xây dựng phương án quy hoạch cánh đồng mẫu lớn.

Mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa được nông dân nhân rộng trong vụ đông xuân 2015-2016.

Tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phải tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các mặt hàng có sức cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng mức độ tác động chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả. Việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chính sách là rất cần thiết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành rà soát, phân tích những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đề ra biện pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.