Nông dân Châu Văn Phúc: Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

(NTO) Đi lên từ cuộc sống nghèo khó, đến nay ông Châu Văn Phúc (SN 1965, thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) đã trở thành triệu phú nhờ mô hình kinh tế tổng hợp: trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ.

 
Ông Châu Văn Phúc giới thiệu các thiết bị âm nhạc gia đình vừa đầu tư thêm.

Nhìn cơ ngơi sản xuất, kinh doanh khá quy mô của ông hiện nay, khó ai có thể nghĩ rằng nơi đây trước kia vốn là vùng đất hoang hóa được ông đầu tư cải tạo lại nhằm phát triển kinh tế gia đình. Ngược dòng thời gian gần chục năm trở về trước, để mưu sinh, ngoài làm ruộng, chăn nuôi vài con dê, cừu, ông cùng vợ xoay sở đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn không thoát cảnh thiếu ăn do phải nuôi 7 người con đang tuổi ăn tuổi học. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, cộng với đức tính cần cù, chịu khó, ông bàn bạc với vợ, quyết định vay vốn mở hướng làm ăn mới. Năm 2005, thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông mạnh dạn mua bò cái sinh sản về nuôi. Để tránh rủi ro, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc, tiêm ngừa, phòng bệnh cho bò do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Sau 5 năm tập trung phát triển chăn nuôi, gia đình ông đã trả hết nợ, tiếp tục phát triển và duy trì đàn bò trên 40 con, đàn cừu trên 100 con. Có vốn tích lũy, năm 2010, ông đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi bò, cừu theo hướng hàng hóa. Trung bình, mỗi năm ông cho xuất chuồng 2 đợt bò vỗ béo, mỗi đợt từ 10 -15 con; 2 đợt cừu đực trên 50 con, thu về gần 400 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, để chủ động nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, ông chuyển hẳn 3 sào đất lúa cho năng suất thấp sang trồng cỏ voi. Tiên phong chuyển hơn 1,5 ha đất trồng giống lúa địa phương sang trồng lúa giống nguyên chủng 2 vụ/năm, kết hợp luân canh trồng cây màu, cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, ông cho biết: Muốn sản xuất hiệu quả và cho lợi nhuận cao thì bản thân phải có phương án sản xuất thích hợp với mô hình đã lựa chọn, sản xuất theo quy hoạch, đồng thời nắm bắt thông tin, tiếp cận với thị trường và tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò, cừu, gia đình ông còn mở thêm dịch vụ kinh doanh cà phê và cho thuê dàn nhạc, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; đồng thời, còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, với mức lương trung bình hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, sau khi trừ chi phí, cộng dồn các khoản thu, gia đình ông thu lợi gần nửa tỷ đồng, một con số thực sự ấn tượng đối với địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như ở đây.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Phúc còn nhiệt tình hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con quanh vùng. Đến nay, đã có gần 50 lượt hộ nghèo được ông giúp đỡ, với số tiền được hỗ trợ thấp nhất 10 triệu đồng/hộ và cao nhất 180 triệu đồng/hộ. Qua đó, tạo cơ hội cho hàng chục hộ nông dân thoát nghèo và có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất…

Ông Huỳnh Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam cho biết: Các mô hình kinh tế của ông Phúc đều hoạt động có hiệu quả, thực sự là tấm gương sáng cho các hội viên khác noi theo. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia công tác hội và các hoạt động tại địa phương như: đóng góp các loại quỹ, phục vụ miễn phí các chương trình văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức… Bằng ý chí, nghị lực của mình trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm liền ông Châu Văn Phúc được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.