Vấn đề hôm nay:

Cam kết thôi chưa đủ!

(NTO) Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến dự án: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận mà Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai trên địa bàn huyện Thuận Nam, nhất là tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh mới đây, sự kiện UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty này thì mối quan tâm của dư luận nói chung và nhiều người dân trong tỉnh nói riêng có “cường độ” cao hơn!. Sự quan tâm không chỉ đây là “siêu” dự án với tổng vốn đầu tư trên 10,6 tỷ USD, nếu tính theo thời giá hiện tại là trên 230.000 tỷ đồng và đặc biệt, ngày 25-8-2016 dự án trên đã được Bộ Công thương có quyết định bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. (Quyết định số 3516/QĐ-BCT). Đây là cơ sở chắc chắn để hiện thực hóa dự án, biến “giấc mơ” sản xuất thép tại Ninh Thuận thành hiện thực... mà còn lo ngại là tác động xấu đến môi trường liệu có thể xảy ra trong khi bài học nhãn tiền từ Formosa gây tác hại đến môi trường biển của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phải mất nhiều năm mới có thể gọi là khắc phục được!.

Theo thông tin, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019...Có thể nói tính hiệu quả của dự án khi hoàn thành không chỉ tăng nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh mà điều cũng không kém phần quan trọng là giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương…như ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết. Để giải tỏa mối lo về tác động xấu đến môi trường khi dự án được triển khai, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, ông Lê Phước Vũ đã rất khẳng khái: “Chúng tôi lấy tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường lên trên cả chi phí đầu tư…” và ông cam kết: “Nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước!”.

Điều đáng nói là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quan tâm đến dự án đã nêu. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu chỉ cho nhà đầu tư (Tập đoàn Hoa Sen) làm khi nhà đầu tư cam kết không ảnh hưởng đến môi trường, không xả thải ra biển, cá phải bơi được trong nước thải và sử dụng công nghệ mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Giao Bộ TN&MT cùng tỉnh Ninh Thuận đánh giá tác động môi trường một cách kỹ càng, nghiêm khắc trước khi cấp phép thực hiện. Tỉnh Ninh Thuận cùng với Bộ Công Thương đánh giá về thiết bị, công nghệ của nhà máy này. Muốn đảm bảo môi trường phải sử dụng thiết bị hiện đại, đặc biệt không được xả nước thải ra biển”.

Dân gian có câu: “Lời nói gió bay”, nhưng trước những cam kết mạnh mẽ của ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải tỏa những lo ngại về ô nhiễm môi trường biển có thể xảy ra. Nhiều người dân còn yêu cầu doanh nghiệp: Cam kết thôi chưa đủ mà cần phải hành động bằng chính trách nhiệm và đạo đức của doanh nghiệp.