Tệ cúng bái thời nay

(NTO) Với người Á Đông, nhất là người Việt chúng ta, thờ cúng ông bà là một tín ngưỡng, phong tục tốt để tỏ lòng biết ơn, sự thành kính với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã khuất, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt.

Đúng ra thì vào những ngày rằm, mùng một hay giỗ chạp, người ta chuẩn bị mâm ngũ quả hoặc thức ăn chay để thắp hương cho ông bà. Nhưng thời bấy giờ, như là để… tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo đối với người đã khuất, con cháu thường gởi biếu đồ dùng cho người “cõi âm” để có… điều kiện “sinh hoạt” thoải mái (!?). Mà nghĩ cũng hay thật, người sống có gì, hưởng thụ ra sao thì người “dưới kia” cũng phải có được đủ đầy như thế. Và những thứ “đồ dùng” đó thì các nơi sản xuất hàng mã đều… không thiếu thứ gì, chúng vô cùng tinh xảo, “bắt mắt”, y… như thật. Giá các mặt hàng này cũng phong phú, từ vài trăm nghìn cho đến vài ba triệu đồng, tùy theo mức độ cầu kỳ của sản phẩm được bán và tâm trạng “hết sức cần thiết” của người đặt hàng, thật không hề rẻ chút nào. Miễn trả giá! Cho nên dạo này, nghe nói thị trường hàng mã hết sức đa dạng. Nếu trước đây hàng hóa cho người “cõi âm” chỉ đơn giản có quần áo, giày dép, gương lược, tiền vàng… thì hiện nay, với suy nghĩ của “người trần sao âm vậy”, khiến cho thị trường vàng mã phục vụ cho việc “cúng bái” ngày càng trở nên phong phú và rối rắm. Những món đồ tinh xảo như biệt thự nhiều tầng, xe hơi, điện thoại, máy tính bảng hay thậm chí thẻ ATM cũng được “nhà” sản xuất nhạy bén cung ứng để phục vụ nhu cầu nhiều người. Nhiều gia đình sẵn sàng chi bạc triệu để mua đủ bộ hàng mã để… đốt cho người đã khuất!

Đúng ngày mùng một, tôi được chú em hàng xóm mời sang nhà ăn cơm chay. Trong lúc bè bạn đang nhâm nhi chén trà hương bốc khói, thì chủ nhà bận rộn đốt một thùng hàng mã, nào là quần áo, “đô la âm phủ” và một chiếc SH rõ to cho người vợ mới vừa mất tháng trước vì tai nạn giao thông. Ngọn lửa hừng hực, gặp cơn gió nồm thổi ngược làm cháy mái tranh của nhà hàng xóm. Sẵn có “lực lượng tại chỗ”, chúng tôi kịp thời dập tắt đám cháy… Tự nhiên tôi nhớ lại câu nói của chị bạn hôm nọ: Không nên lãng phí vào những món đồ “ho lao” như thế, chỉ tổ tốn tiền, làm ô nhiễm môi trường trong sạch, lành mạnh của xã hội... Mình cúng bái, hương khói, cốt ở tấm lòng thành của con cháu đối với tổ tiên, nếu không thành tâm, hướng thiện thì làm gì cũng vô ích. Đâu phải mâm cao cỗ đầy, lễ lạt to tát, tốn kém thì mới bày tỏ lòng thành kính, sự quan tâm của người sống với những người đã khuất để mong được phù hộ... Thật quá đúng luôn, không dám bình luận gì thêm!