Chuối Phước Bình

Đối với xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái) người dân chỉ trồng chuối để ăn hoặc dùng để ủ rượu cần chứ chưa ai dám nghĩ đến một ngày chuối lại “lên ngôi” trở thành cây hàng hóa, mang lại nguồn lợi cao như hiện nay.

Lạc vào xứ chuối

Ngược lên Phước Bình (Bác Ái), đứng trên đèo Gia Túc phóng tầm mắt nhìn ra xa thấy thấp thoáng trên các triền đồi là những mảng màu xanh lơ của cây chuối. Không có nơi nào ở tỉnh ta chuối lại nhiều như ở đây. Chuối được trồng xung quanh rẫy, rải rác trong vườn nhà, có nơi được trồng đến vài héc-ta.

Ông Đô Gur Ha Cây, người cao tuổi ở thôn Bạc Rây 2 cho hay, cây chuối luôn gắn kết trong đời sống thường ngày của người vùng cao. Ngày thường lên rẫy, các lùm chuối là nơi nghỉ mát của mọi người. Những khi mưa gió, bà con bẻ bắp chuối về làm nộm ăn rất ngon. Nhất là dịp tổ chức các lễ hội truyền thống, chuối trở thành loại rau, lễ vật chủ đạo. Những nải chuối chín bà con cẩn thận bài trí giữa nhà sàn thắp hương dâng lên ông bà, chuối xanh nấu canh đãi khách. Không riêng gì quả, lõi chuối non cũng được bà con thái nhỏ, nấu chung với thịt bò, trở thành món ăn truyền thống.

Có những dạo chuối nhiều vô kể, chín đầy rẫy. Người dưới xuôi lên, nhìn những con bò thong thả nhai những quả chuối vàng ươm mà xuýt xoa: Giá như mang về thành phố thì quý biết mấy! Anh Pi-năng Long ở thôn Bạc Rây 1, tiếc nuối: Vẫn biết ở dưới xuôi chuối không hề rẻ, vào dịp lễ tết, có buồng lên tới vài ba trăm ngàn đồng, nhưng đường sá vùng cao trắc trở khó lòng mang về xuôi bán. Thành ra có những khi chuối sản sinh nhiều quá, không ít hộ chặt bỏ đi, nhưng vài tháng sau chuối lại mọc xanh trở lại, ngày một nhiều hơn.

Lái buôn thu mua chuối đi tiêu thụ.

Khi chuối "lên ngôi"

Dăm năm trở lại đây, khi tuyến đường nhựa vượt ngàn hoàn thành, thông thương Phước Bình với các huyện trong và ngoài tỉnh, thì lái buôn ở Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Sơn tìm lên mua chuối.

Người Ra glai bản tính phóng khoáng, khi đó lại chưa bắt nhịp được với kinh tế thị trường nên thấy người lạ đến hỏi mua chuối là chỉ thẳng vào rẫy để họ chặt bao nhiêu thì chặt, trả bao nhiêu tiền cũng được! Tiếng đồn chuối Phước Bình vừa rẻ vừa ngon lan xa, làm cho không ít lái buôn ở mọi nơi đổ về thu mua, giá chuối vì thế tăng dần từ dăm ngàn đồng một buồng trước đây nay tăng lên khoảng năm chục ngàn đồng. Thời điểm giáp tết, giá chuối tăng cao, có buồng lên đến cả trăm ngàn đồng.

Cây chuối “lên ngôi” bà con Phước Bình bắt đầu thay đổi cách nghĩ, xem đây là loại cây trồng chủ lực. Phong trào trồng chuối cứ thế lan rộng dần, đến nay 732 hộ dân sống ở 6 thôn trong xã không có hộ nào không chuyên tâm vào trồng chuối.

Hộ ít thì dăm sào, cứ bán lai rai đủ tiền chi dùng hàng ngày trong gia đình; hộ nhiều vài ba héc-ta, mỗi đợt bán thu về tiền triệu. Chưa thể thống kê một cách chính xác, nhưng diện tích chuối ở Phước Bình hiện nay lên đến hàng trăm héc-ta. Nông dân Chamaléa Niên (thôn Bạc Ráy 1) là người giàu lên nhờ chuối. Chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán 2010, rẫy chuối 1 ha của anh bán được hơn 10 triệu đồng.

Triển vọng làm giàu từ trồng chuối

Đồng chí Ka-tơ Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình rất tâm đắc với cây chuối: “Đất Phước Bình màu mỡ, khí hậu mát mẻ, trồng cây gì cũng tốt. Nhưng chuối là cây dễ trồng nhất, lại không tốn công chăm sóc, thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó”.

Đúng như lời Phó Bí thư Đảng ủy xã nói, hiện nay ở địa phương thường xuyên có ít nhất 5 thương lái ngày nào cũng rảo xe về các thôn thu mua chuối. Thâm nhập vào “đội quân” mua chuối, được biết buồng chuối ở Phước Bình xưa kia có khi chỉ cho bò ăn, nhưng hiện nay người ta giành mua từng nải. Có những thương lái bỏ tiền mua “quạ” cả rẫy chuối, đưa tiền trước cho chủ. Anh Nguyễn Tiến Hùng (Cam Ranh, Khánh Hòa) người buôn chuối có hạng, thổ lộ: “Chuối Phước Bình vừa ngon vừa bảo quản được lâu, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày giới buôn chuối thu gom được khoảng 3 tấn, chủ yếu chở sang Trung Quốc bán”.

Cây chuối Phước Bình “vượt qua biên giới” đó là lý do để mới đây chính quyền địa phương nhìn nhận đây là loại cây trồng chủ lực. Đồng chí Ka-tơ Quỳnh, bộc bạch: “Triển vọng phát triển cây chuối ở quy mô lớn là trong tầm tay vì quỹ đất ở địa phương khá dồi dào. Chúng tôi đang nghĩ đến xây dựng thương hiệu chuối Phước Bình để có “chỗ đứng” trên thị trường”. Nếu vậy thì, cây chuối “quê mùa” ngày nào, rồi đây sẽ trở thành cây làm giàu.