Chân thành và thắng thắn

(NTO) Chân thành và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mọi mối quan hệ trong xã hội. Đó là những phẩm chất đáng quý và cần có trong giao tiếp của mỗi người. Nền tảng là sự tinh tế và khéo léo tùy theo cách ứng xử của mỗi người để thích nghi và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Những người chân thành không bao giờ tìm kiếm sự chú ý ở người khác cũng như không cần củng cố cái tôi của mình. Họ không quan tâm tới việc người khác yêu ghét mình ra sao, họ luôn tự tin và thành thật chỉ đơn giản là chính mình chứ không là ai khác. Họ không cần nhiều thứ, biết thế nào là đủ và thấy thoải mái với bản thân là được. Những người chân thành không xử lý vấn đề bằng mánh khóe hoặc tìm cách kiểm soát sự việc diễn ra. Họ làm những điều họ nói, nói những điều họ nghĩ và cảm thấy hạnh phúc với những gì mà mình đã làm. Họ biết hạnh phúc mà mình tìm được là chính từ bản thân, từ những người thân và ở ngay trong công việc của mình. Không thích phô trương, hình thức, đó là tính cách của người chân thành vì họ luôn tự tin vào những điểm mạnh của bản thân. Chân thành và thẳng thắn, hai tính cách luôn song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Thẳng thắn khi ứng xử rất cần sự tinh tế, có như vậy mới duy trì và củng cố được các mối quan hệ.

Tuy nhiên, đôi lúc thẳng quá cũng đem lại sự khó chịu và gây tổn thương cho người khác. Thẳng thắn là tốt, nhưng khi ứng xử phải phù hợp với hoàn cảnh, đúng thời điểm, nếu không sẽ bị phản tác dụng. Nói thẳng để giúp người khác biết sai mà sửa, đó là điều tốt, nhưng nói như thế nào để người ta có thể cảm nhận được thành ý và vui vẻ tiếp thu để điều chỉnh. Sự thẳng thắn ấy sẽ giúp họ có thể phát triển, hoàn thiện bản thân và mối quan hệ theo ấy cũng bền chặt hơn. Thẳng thắn không có nghĩa là cứ nghĩ sao thì nói vậy, chỉ nói những cái xấu mà không đề cập đến cái tốt, mặt tích cực. Trong cuộc sống có đôi khi chúng ta cũng không nên thẳng quá, mà phải khéo léo dẫn dắt để đưa sự việc theo chiều hướng tốt. Khéo léo không phải là “giả tạo” mà là cách ứng xử mềm mỏng với một tấm lòng chân thành. Những người thẳng thắn với nhiều trải nghiệm sẽ dễ dàng quyết định nên thẳng đến mức độ nào trong từng tình huống khác nhau. Thẳng thắn và khéo léo đều cần có giới hạn để không trở thành dễ dãi. Chỉ cần nói ra một phần câu chuyện có khi lại hiệu quả hơn nhiều so với việc nói ra tất cả. Đó là nghệ thuật trong giao tiếp mà chúng ta cần phải học. Thẳng thắn nếu không chân thành, đồng nghĩa với việc bạn không giúp được người khác tiến bộ mà chỉ nhằm thoả mãn cái tôi của bản thân. Ở cạnh người chân thành, thẳng thắn ta luôn cảm thấy tin tưởng và được sẻ chia.

Thẳng thắn, chân thành trong mọi mối quan hệ là vấn đề mà mọi người cần quan tâm tạo dựng để thắt chặt và nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.