PHỎNG VẤN:

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động trong năm 2017

(NTO) Thời gian qua, tỉnh ta rất quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhằm mở ra cơ hội việc làm cho người lao động (LĐ). Trong năm 2017, nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực này, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về một số giải pháp để đẩy mạnh hoạt động này.

Phóng viên: Nhìn lại hoạt động XKLĐ trong năm 2016 có thể thấy tuy chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh giao nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là số lượng LĐ đi XKLĐ tăng so với các năm trước, đây là tín hiệu khả quan, vậy đồng chí cho biết nguyên nhân đạt được kết quả trên?

Đồng chí Hà Anh Quang
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Đồng chí Hà Anh Quang: Trong năm 2016, tỉnh ta XKLĐ được 103/120 LĐ, đạt 85,83%, tăng 63 LĐ so với năm 2015 (thị trường Nhật Bản 38 LĐ, Hàn Quốc 7 LĐ, Malaysia 4 LĐ, Ả rập Xê-út 50 LĐ, Singapore 1 LĐ, Đài Loan 2 LĐ và Cộng hòa Liên bang Đức 1 LĐ). Qua XKLĐ, nhiều gia đình trở nên khá giả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Từ đó, cơ quan chức năng của tỉnh quyết tâm và chủ động liên hệ với các công ty để đưa LĐ của tỉnh làm việc ở nước ngoài. Những địa phương có số người tham gia XKLĐ khá nhiều là: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và Thuận Nam. Qua thống kê cho thấy, trong 5 năm từ 2011-2015, tỉnh ta có 170 người XKLĐ. Riêng năm 2016, có 103 LĐ, chiếm 60,58% trong tổng số LĐ trong 5 năm, đây là năm có sự đột phá, số LĐ tham gia tăng cao (tăng 63 LĐ). Đây tín hiệu khả quan, đáng mừng cho ngành cũng như địa phương trong công tác XKLĐ, đạt được kết quả trên là do các nguyên nhân chính sau đây:

- Công tác XKLĐ được xác định là nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13-11-2015 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm-XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh như: Thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm-XKLĐ giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; phê duyệt Đề án XKLĐ của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong năm 2016, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai Chỉ thị 04-CT/TU và kết quả thực hiện chỉ tiêu giao về XKLĐ tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức họp định kỳ theo Quy chế để nghe báo cáo những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ cho người tham gia XKLĐ và các doanh nghiệp tham gia đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

- Sự chủ động vào cuộc nhanh ngay từ đầu năm của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cũng như sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã cụ thể hóa thành Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện, trong đó giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị thực hiện công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây là năm Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được đánh giá cao vì những nỗ lực của mình.

- Nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người LĐ trong việc xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng được nâng lên một bước. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và đoàn thể các cấp trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người LĐ tham gia XKLĐ.

- Công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như chính sách, quy trình, thủ tục đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng thông thoáng hơn, được các cấp quan tâm hơn, quyền lợi khi tham gia XKLĐ được đảm bảo...

Phóng viên: Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thì hoạt động XKLĐ tại tỉnh ta cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đồng chí có thể cho biết những khó khăn, hạn chế đó?

- Đồng chí Hà Anh Quang: Khó khăn thứ nhất là về công tác quản lý nhà nước: Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đến được tới mọi người dân. Nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ nên hạn chế trong việc phối, kết hợp tổ chức triển khai thực hiện; trình độ học vấn thấp, tay nghề và ngoại ngữ của người LĐ chưa có là những khó khăn trong việc duy trì và mở rộng thị trường XKLĐ hiện nay. Chính sách hỗ trợ cho người LĐ tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ có khó khăn về kinh phí được vay vốn tham gia XKLĐ, nhất là LĐ thuộc các hộ có số nợ tại các ngân hàng nên những LĐ đã trúng tuyển nhưng không có khả năng theo học ngoại ngữ và học định hướng nghề.

Về phía người LĐ: Phần lớn người LĐ có nhu cầu XKLĐ là LĐ nông thôn, khó khăn về kinh tế, bản thân và gia đình không có hoặc không đủ tiền; trình độ học vấn thấp, ý thức kỷ luật LĐ chưa cao, còn mang nặng tập quán địa phương, tâm lý ngại đi xa, nhất là tham gia XKLĐ. Phần lớn thanh niên trong độ tuổi LĐ chưa thực sự hiểu rõ ràng, đầy đủ về các thị trường ngoài nước đang cần LĐ...

Phóng viên: Được biết, năm 2017, tỉnh ta phấn đấu đưa 120 người XKLĐ. Để hoàn thành mục tiêu trên, đồng chí cho biết các giải pháp và các chính sách, hỗ trợ đối với người LĐ mà tỉnh ta đề ra trong năm nay.

- Đồng chí Hà Anh Quang: Để hoạt động XKLĐ trong năm 2017 và các năm tới đạt chỉ tiêu, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như:

- Đẩy mạnh và tạo bước phát triển bền vững trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chú trọng tăng LĐ qua đào tạo nghề.

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ theo Chỉ thị số 41-CT/TW của Bộ Chính trị về XKLĐ và chuyên gia, Luật Người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13-11-2015 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm-XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đề án XKLĐ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020.

- Trình UBND tỉnh thông qua Đề án Hỗ trợ vay vốn từ ngân sách của tỉnh đối với LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 để tháo gỡ khó khăn về vốn cho người LĐ khi trúng tuyển.

- Phối hợp với các công ty XKLĐ hoặc với các trung tâm, các đơn vị có năng lực để liên kết mở lớp đào tạo ngoại ngữ cơ bản tại tỉnh nhằm thu hút LĐ và giảm chi phí học ngoại ngữ đối với người LĐ trong việc tham gia XKLĐ.

- Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra đối với các doanh nghiệp tham gia XKLĐ tại tỉnh để kịp thời xử lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ cũng như doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xem xét thiết lập kênh thông tin kết nối giữa người LĐ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý LĐ tại địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ, có như vậy họ mới yên tâm và tích cực tham gia XKLĐ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!