NINH THUẬN - 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Ngành Y tế hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

(NTO) Hòa cùng với phát triển chung của tỉnh, 25 năm qua kể từ ngày tỉnh nhà được tái lập (4-1992) đến nay, ngành Y tế đã có những đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung.

Từ một số ít đơn vị ban đầu, đến nay toàn ngành đã có 2 Chi cục; 16 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tuyến tỉnh, 7 Trung tâm Y tế huyện/ thành phố vừa làm chức năng khám chữa bệnh (KCB), vừa làm chức năng y tế dự phòng, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 bệnh viện tuyến huyện. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển lên bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường.

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, ngành đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Nếu như những ngày đầu tái lập tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 74 bác sĩ, ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân, thì đến năm 2016 đã tăng lên 431 bác sĩ, nâng tỷ lệ 7,7 bác sĩ /vạn dân; năm 2009 cả tỉnh có 0,2 dược sĩ đại học/vạn dân, năm 2016 tăng lên 0,7 dược sĩ đại học/vạn dân. Năm 1992, chỉ có 33/52 Trạm Y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 48/52 Trạm Y tế có y sĩ và không có bác sĩ ở tuyến xã. Đến nay có 61,5% (40/65) Trạm Y tế có bác sĩ luân phiên làm việc; 100% Trạm Y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% thôn có nhân viên y tế thôn hoạt động.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đội ngũ cán bộ y tế xã Ma Nới (Ninh Sơn) thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu
cho nhân dân địa phương. Ảnh: Văn Miên

Mạng lưới phòng chống bệnh dịch, phòng chống Lao, Phong, Sốt rét, HIV; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; mạng lưới chuyên trách và công tác viên dân số được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Năm 1992, toàn tỉnh có 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập trên cơ sở Bệnh viện đa khoa khu vực Phan Rang và 2 bệnh viện huyện (Ninh Hải và Ninh Phước). Đến nay, có thêm 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Lao và Bệnh phổi, Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng, Mắt), 1 bệnh viện liên huyện, 7 phòng khám đa khoa khu vực, 1 nhà hộ sinh.

Hiện nay, có 60/65 Trạm Y tế triển khai KCB ban đầu (5 Trạm không triển khai KCB do gần Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Phòng khám đa khoa khu vực). Nhiều Trạm Y tế được nâng cấp, xây mới; tỷ lệ xã/phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 12,9% trong năm 2005 lên 72,3% trong năm 2016. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ giường bệnh công lập đạt 25,4 giường/vạn dân, tăng 9,1 giường/vạn dân so với năm 1993.

Bằng nỗ lực của toàn ngành, đến nay có thể nói ngành Y tế tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Cụ thể như : Trong lĩnh vực khống chế bệnh dịch, nhiều bệnh dịch nguy hiểm thường xảy ra trước đây đã được khống chế và đẩy lùi. Từ năm 1995 đến nay không có dịch tả, dịch hạch; từ năm 2000 không còn ca bệnh thương hàn; bệnh sốt rét được khống chế, số bệnh nhân mắc sốt rét giảm dần theo từng năm, tỷ lệ chết do sốt rét giảm từ 7,14 người/1.000 dân trong năm 1992 xuống còn 0,18 người/1.000 dân trong năm 2004, trong giai đoạn 2004 - 2011 mỗi năm chỉ có 1-2 ca tử vong do sốt rét, từ năm 2011 đến nay không có tử vong do bệnh sốt rét. Các bệnh có khả năng gây dịch lưu hành ở địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, quai bị chỉ xuất hiện ở quy mô nhỏ và được khống chế kịp thời. Các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, phong đã được thanh toán hoặc loại trừ (năm 2000, Ninh Thuận được công nhận thanh toán bại liệt; năm 2005, được công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh). Năm 1995 là năm phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Ninh Thuận, đến nay số mắc tích lũy là 447 người, số hiện đang còn sống được quản lý là 256 người, tỷ lệ dân số nhiễm HIV được kiểm soát dưới mức 0,04% dân số. Năm 2015, Trung tâm Y tế Dự phòng được Bộ Y tế công nhận đạt Chuẩn quốc gia về y tế dự phòng ; Ninh Thuận được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh.

Đội ngũ y bác sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhân viên Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Ảnh: Văn Miên

Chị Tạ Yên Thị Ngơ thăm khám cho phụ nữ mang thai ở thôn Trà Nô.

Về cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em: Sau khi tái lập tỉnh, năm 1993, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 61,8%, đến năm 2016, giảm còn 17%, chủ yếu tập trung ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1995, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 38,6‰ và dưới 5 tuổi là 66,2‰, đến nay tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 5,1‰, dưới 5 tuổi giảm còn 6,7‰. Năm 1992, chỉ có 54% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế và 65% phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc, tình trạng đẻ tại nhà do mụ vườn đỡ khá phổ biến; tỷ số tử vong bà mẹ/100.000 trẻ đẻ ra sống là 31,6. Đến nay (2016), công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có nhiều tiến bộ, trên 96% phụ nữ có thai được quản lý thai, số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt trên 99%, trong đó số đẻ tại cơ sở y tế đạt 98,3%; tỷ số tử vong bà mẹ giảm còn 8,2/100.000 trẻ đẻ ra sống. Lĩnh vực kiểm soát mức tăng dân số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 1992, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 28,5‰ giảm xuống còn 14,78‰ (năm 2005), đến nay (2016) giảm còn 10,4‰. Tỷ số giới tính khi sinh là 107,7 trẻ trai/100 trẻ gái (đạt so với chỉ tiêu của Bộ Y tế là không vượt quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái).

Về phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân: Trong giai đoạn từ 2007 – 2010, tỷ lệ dân số tham gia BHYT ở mức thấp, dưới 50%. Từ sau năm 2012, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế đã tích cực nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT, đồng thời phối hợp với các ngành liên quan, vận động người dân tham gia BHYT, đến nay tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 79,3%.

Đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật y tế hiện đại phục vụ khám,
chữa bệnh cho Nhân dân. Ảnh: V.M

Đội ngũ thầy thuốc huyện Ninh Sơn chăm sóc sức khỏe người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Sơn Ngọc

Đặc biệt, chất lượng KCB cho người dân không ngừng được nâng cao ở các tuyến thông qua đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn; bổ sung bác sĩ và trang thiết bị; luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về KCB tại tuyến xã. Thông qua Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được 250 kỹ thuật điều trị của tuyến Trung ương và đã triển khai tim mạch can thiệp. Trong năm 2016, thực hiện thành công 102 ca chụp mạch vành, đặt stent cho 51 bệnh nhân tại tỉnh. Từ năm 2013, các bệnh viện đã thực hiện cải tiến chất lượng liên tục theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của Bộ Y tế, điểm chất lượng của các bệnh viện tăng dần qua từng năm…

Những thành quả đạt được như đã nêu trên sẽ là nền tảng vững chắc để toàn ngành phát triển cao hơn trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Theo lãnh đạo ngành cho biết, những định hướng cho giai đoạn phát triển mới của ngành đó là: Củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn; xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I với quy mô 1000 giường vào năm 2020; xây dựng Đề án phát triển Trường Trung cấp Y tế trở thành Trường Cao đẵng Y tế; tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tiếp tục kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng thức ăn đường phố; hạn chế để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Đổi mới phong cách thái độ phục vụ nhằm nâng cao hơn nữa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng KCB; cải tiến chất lượng bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế.