Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục

(NTO) Nhờ tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm không ngừng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

Ở bậc học phổ thông, năm học 2016-2017, thành phố có 31 trường TH, với hơn 15.300 học sinh (HS); 10 trường THCS, gần 11.000 HS. Để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu mỗi năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt bàn giao chất lượng HS, ký cam kết nâng cao chất lượng giáo dục theo sự hướng dẫn của cấp trên. Nội dung dạy học được nhà trường điều chỉnh bảo đảm tính vừa sức trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng, định hướng phát triển năng lực của HS và phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường; đồng thời, chú trọng các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động tập thể, ngoại khóa, diễn đàn trí tuệ… Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học với phương châm “Lấy HS làm trung tâm”, các đơn vị trường học quan tâm chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn, xây dựng chủ đề, kế hoạch dạy học phù hợp cho mỗi môn học, tích hợp liên môn, lồng ghép với các nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống, hiểu biết xã hội… giúp HS vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tư duy sáng tạo, chủ động. Hiện tất cả các trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; 100% trường THCS sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy. Ngoài ra, nhằm tạo bước đột phá, năm học 2016-2017, toàn ngành còn đẩy mạnh công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục, hướng đến mục tiêu “Dạy thật, học thật và chất lượng thật”.

Trường TH Đài Sơn áp dụng hiệu quả mô hình VNEN trong dạy học.

Việc đổi mới phương pháp mang lại hiệu quả giáo dục cao thể hiện rõ nét ở bậc giáo dục TH. Hiện 100% trường học đều thực hiện hiệu quả phương pháp tích hợp liên môn áp dụng cho các môn học tiếng Việt, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật lồng ghép với rèn luyên kỹ năng sống và các nội dung giáo dục: Bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, bình đẳng giới… Ngoài ra, các trường học khuyến khích giáo viên ứng dụng các phương pháp dạy học mới như “Bàn tay nặn bột”, “Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch”, VNEN, SEQAP..., nhờ đó kích thích sự tìm tòi, ham muốn khám phá, đam mê, sáng tạo, tạo không gian học tập thoải mái, nhẹ nhàng, không gây áp lực, mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, chất lượng dạy và học không ngừng nâng cao. Cụ thể, năm học 2015-2016, ở bậc TH có 100% HS đạt về phẩm chất; 99,5% HS đạt về năng lực; trên 99% HS được lên lớp thẳng; 99,9% HS lớp 5 hoàn thành chương trình TH. Ở bậc THCS, trên 97% HS đạt hạnh kiểm khá, tốt; trên 32% HS có học lực giỏi; 33% HS học lực khá; trên 91% HS khối 7, 8, 9 lên lớp thẳng; gần 99% HS lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS. Trong học kỳ I năm học 2016-2017, ở bậc THCS, 100% HS đạt hạnh kiểm tốt; 64% HS có học lực trung bình trở lên.

Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi cũng được chú trọng. Tại các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, giải Toán trên máy tính cầm tay, HS giỏi Olympic Tiếng Anh, Toán trên mạng Internet các cấp… đều có sự tham gia đông đảo của HS thành phố với chất lượng càng cao qua các năm học. Điển hình năm học 2015-2016, thành phố đạt 41 giải Ba, 4 giải Nhì tại kỳ thi HS giỏi các bộ môn văn hóa cấp tỉnh; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 7 giải ba kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh; 7 giải Nhất, 13 giải Nhì Olympic tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh và 2 giải Bạc, 2 giải Đồng kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia… Trong học kỳ I năm học 2016-2017, ở bậc THCS, có 229 em được công nhận HS giỏi cấp thành phố, trong đó có 112 em được chọn tham dự kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh.

Đồng chí Đinh Lâu, Trưởng phòng GD&ĐT Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện tốt công tác này, Phòng GD&ĐT thành phố quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn; chỉ đạo các đơn vị trường học khuyến khích đội ngũ giáo viên nghiên cứu khoa học sư phạm, viết, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, các mô hình, phương pháp dạy học mới, hay, hiệu quả vào thực tiễn… nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, chung tay vào sự phát triển sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh nhà.