Xu hướng hợp tác khai thác trong vụ cá Nam

(NTO) Những ngày đầu tháng 5-2017, tình hình thời tiết và ngư trường rất thuận lợi nên có khoảng 80% tàu cá tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác với các nghề câu, lưới rê, lưới vây, mành, lưới kéo, pha xúc… Chỉ tính trong tuần đầu của tháng, sản lượng khai thác hải sản đạt trên 2.500 tấn, còn tính từ đầu năm đến ngày 5-5, sản lượng toàn tỉnh đạt 34.702 tấn hải sản các loại, bằng 40,79% kế hoạch năm, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy mới vào vụ cá Nam chưa lâu nhưng với những tín hiệu lạc quan ban đầu như trên, đã khuyến khích ngư dân tỉnh ta bám biển vươn khơi. Trên vùng biển xa như quần đảo Trường Sa và giàn khoan DK1, hiện có khoảng hơn 100 tàu đang khai thác, ngoài ra còn có hơn 100 tàu hành nghề pha xúc của 2 xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) tham gia khai thác trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận). Trong những năm gần đây, có thể thấy số lượng tàu thuyền tỉnh nhà có mặt ở vùng khơi ngày càng tăng nhanh, nếu tháng 8-2016, toàn tỉnh có 140 tàu (hành nghề khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá) khơi xa, trong đó có trên 80% tàu hoạt động khai thác, thì đến nay, con số ấy đã nâng lên 260 chiếc. Toàn tỉnh hiện có tổng số 2.761 tàu thuyền (tổng công suất 316.231 CV), trong đó có 985 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Đây là những tàu có công suất lớn, nên trong thực tế lực lượng tàu có khả năng vươn khơi, đánh bắt xa bờ ở tỉnh ta còn tăng. Cùng với hoạt động khai thác thủy sản phát triển nhanh, các chủ tàu ở tỉnh ta đã có khuynh hướng tự liên kết hình thành các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển mang tính gia đình, theo dòng họ.

 

Tàu lưới vây ở Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải) liên kết, hợp tác ra khơi đánh bắt cá vụ Nam.

Anh Lê Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh lý giải: “Như một điều tất yếu, tàu thuyền càng vươn khơi xa càng cần nương tựa lẫn nhau, dẫn đến xu hướng hợp tác ngày càng tăng, đó cũng chính là điểm nhấn trong vụ cá Nam năm nay”. Do hiệu quả đem lại khá cao và tương đối ổn định so với mô hình hoạt động đơn lẻ nên hình thức tổ, đội ở nhóm nghề lưới, câu được duy trì tương đối tốt. Nếu trước đây, việc vận động các chủ tàu cá tham gia các tổ, đội liên kết, hợp tác sản xuất trên biển gặp nhiều khó khăn thì nay dễ dàng hơn; hầu hết chủ tàu cá đã nhận thức được lợi ích từ liên kết, hợp tác khai thác đem lại. Kể từ mô hình ban đầu của 3 Tổ khai thác cộng đồng (27 ngư dân tham gia) thành lập vào cuối tháng 6-2007 ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), qua gần 10 năm phát triển, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 145 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển (885 tàu), trong đó huyện Thuận Nam có 90 tổ (471 tàu), huyện Ninh Hải có 29 tổ (230 tàu) và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 26 tổ (184 tàu). Số tổ thành lập nhiều nhất là tại xã Phước Diêm gồm 56 tổ (302 tàu) và xã Cà Ná với 28 tổ (138 tàu). Tàu cá tham gia các tổ phổ biến là tàu có công suất 500-600 CV.

Theo Chi cục TS tỉnh, qua liên kết, ngư dân trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, giúp cung cấp kịp thời thông tin, nhanh chóng tìm ra ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất (nhất là khi giá nhiên liệu tăng), giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm dịch vụ hậu cần và chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, việc liên kết còn giúp bảo vệ, hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi có sự cố xảy ra trên biển. Ông Nguyễn Văn Bông, ngư dân xã Phước Diêm, tổ trưởng của một tổ đoàn kết khai thác hải sản (gồm 5 tàu có công suất trung bình 500 CV/tàu) chia sẻ: Tổ của tôi mang tính chất gia đình, nhờ mô hình hợp tác này, chúng tôi thường xuyên tổ chức đánh bắt hiệu quả bằng nghề câu ở các vùng biển xa bờ, trong đó mỗi năm thực hiện 4 chuyến khai thác tại vùng biển Trường Sa.

Qua quá trình hoạt động, các mô hình tổ hợp tác khai thác trên biển đã ngày càng có bước phát triển mới. Theo anh Lê Hồng Phong, trước đây thường các chủ tàu chỉ liên kết trong cùng nhóm nghề, nay đã mở rộng liên kết với tàu dịch vụ hậu cần để tận dụng năng lực đánh bắt mà không phải lo về khâu vận chuyển hải sản vào bờ tiêu thụ. Điểm mới đáng quan tâm khác là mô hình liên kết các tổ với nhau thành đội ở Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải). Theo đó, mỗi tổ có 3 tàu cá, cứ 3 tổ sẽ liên kết lại thành một đội hợp tác khai thác trên biển. Qua liên kết, hiệu quả khai thác đạt hơn thấy rõ, các tàu khi phát hiện đàn cá di cư đã kịp thời cùng nhau bao vây đánh bắt trọn. Mô hình liên kết sản xuất các tổ thành đội đang được nhiều địa phương ven biển trong tỉnh ghi nhận, làm theo.

Trước ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của các mô hình tổ, đội hợp tác khai thác trên biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố, hỗ trợ và phát triển các mô hình trên. Nhìn chung xu hướng hợp tác, liên kết đang nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo động lực thúc đẩy nghề khai thác hải sản xa bờ phát triển, tin rằng với năng lực mới, ngư dân tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu khai thác vụ cá Nam và kế hoạch cả năm.