Toàn tỉnh tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

(NTO) Do ảnh hưởng hoàng lưu vùng áp thấp, kết hợp với hoạt động của gió mùa, từ ngày 26 đến 29-5, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra mưa to đến rất to và dông, mực nước trên các sông, suối dâng cao, gây nên tình trạng mưa lũ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương... Sau mưa lũ, công tác khắc phục thiệt hại đang được người dân và chính quyền các địa phương tập trung triển khai.

Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, mưa lũ đã ảnh hưởng đến công trình Đập hạ lưu sông Dinh, một số hạng mục công trình như: Mặt bằng đắp đào các trụ bị lũ cuốn trôi, khối lượng dự tính khoảng hơn 8.000 m3, ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Tại huyện Ninh Sơn, mưa lũ đã làm 186,7 ha lúa, 21 ha bắp, 2 ha đậu xanh, 10 ha dưa hấu bị ngập nước, 2 con bò bị cuốn trôi... Nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông tại xã Lâm Sơn, Lương Sơn bị sạt lở, hư hỏng. Tại suối Gia Chiêu khu vực thôn Lâm Phú bị sạt lở sâu vào đất sản xuất của các hộ dân dọc suối, làm thiệt hại diện tích cây ăn trái và gây sụp đổ một đoạn kênh mương, ảnh hưởng đến mố chân cầu Gia Chiêu. Đường Lâm Sơn-Phước Hòa, đoạn Quốc lộ 27 đến trường mẫu giáo bị sạt lở dài 30 m, rộng 6 m. Tại huyện Bác Ái, mưa lũ đã làm tường rào của nhiều nhà dân ở xã Phước Thắng bị sập; tuyến Quốc lộ 27B tại Km13 bị sạt lở mái ta-luy khoảng 20 m; cống tràn vào khu sản xuất Ma Hoa, đập Savin 1 trên địa bàn các xã Phước Đại, Phước Bình cũng bị sạt lở. Diện tích đậu, bắp, mì bị lũ quét và ngập khoảng 200 ha tại các xã Phước Tân, Phước Tiến. Tại huyện Thuận Nam, số diện tích lúa và đậu xanh thiệt hại khoảng 131,8 ha, tập trung ở các vùng chuyển đổi cây đậu xanh ở xã Nhị Hà, Phước Hà, Phước Ninh. Tại huyện Ninh Phước, mưa liên tiếp trong những ngày qua đã làm trên 10 ha lúa vụ hè-thu sớm tại xã Phước Hữu bị ngập. Một số diện tích nho, táo của nông dân đang chuẩn bị ra bông, sắp thu hoạch bị thối, mốc, gây thiệt hại đến năng suất. Tại thượng nguồn hồ Lanh Ra, do mưa lớn nên lượng nước tích tại hồ đạt gần 14,50 triệu m3, vượt so với dung tích thiết kế. Để đảm bảo an toàn, tối 28-5, Ban Quản lý hồ phải tiến hành xả lũ, do lượng nước xả lớn, cộng với mực nước tại kênh Nam dâng cao nên gây ngập cục bộ diện tích trồng hoa màu của nông dân xã Phước Vinh khoảng 20 ha… Trên địa bàn huyện Ninh Hải, mưa lũ đã làm sạt lở 10 m bờ kè Cây Sộp (xã Phương Hải), sạt lở 12 m đoạn bờ kè Ông Sái ở xã Tân Hải. Toàn huyện ước tính thiệt hại khoảng 268 triệu đồng. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 30-5, toàn tỉnh, mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng.

Để kịp thời khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện Thông báo số 03/TB-PCTT ngày 28-5-2017 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Công điện số 1993/CĐ-UBND ngày 29-5-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai công tác ứng phó với áp thấp, mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn. Thông báo cho người dân, phương tiện không vượt qua sông suối, qua các đường tràn khi mưa lũ lớn xảy ra. Kiểm tra các công trình đê điều, hồ chứa nước, công trình đang thi công; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, thực hiện việc vận hành điều tiết nước ở các hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho công trình vùng hạ du và các kênh; phân công và bố trí người trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước để có phương án điều tiết và xả lũ khi cần thiết. Khi xả lũ các hồ chứa nước, công ty phải thông báo trước 6 giờ cho các xã, huyện vùng hạ du để thực hiện sơ tán di dời dân kịp thời. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh có phương án tuần tra bảo đảm giao thông trên tất cả các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và 27B, tỉnh lộ và có phương án ngăn chặn, kiểm soát các phương tiện giao thông; kiên quyết không cho lưu thông khi có mưa lũ lớn xảy ra cắt ngang các tuyến đường...

Ngay sau khi nước rút, tranh thủ có nắng, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tập trung ra đồng khắc phục thiệt hại trong sản xuất; chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại số diện tích cây trồng bị thiệt hại để kiến nghị cấp trên hỗ trợ cho nông dân sớm ổn định sản xuất. Một số công trình, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, lãnh đạo các sở, ngành phối hợp cùng UBND các huyện có biện pháp khắc phục, giúp người dân an tâm đi lại, sản xuất.