Cộng đồng quốc tế cùng Myanmar, Bangladesh nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya

Bangladesh và Myanmar đã chấp nhận vai trò trung gian của Trung Quốc và đồng ý thực hiện một giải pháp 3 giai đoạn do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Rakhine (Ra-khin). Đây là tín hiệu tích cực trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya tại Myanmar.

* Biện pháp 3 giai đoạn giải quyết khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Rakhine của Myanmar đang diễn ra rất phức tạp và cần đến một giải pháp toàn diện. Do vậy, trong thời gian qua cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.Trong nỗ lực làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng người Rohingya tại Myanmar, ngày 18-11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (Sê-ích Ha-xi-na) tại thủ đô Dhaka. Một ngày sau đó, 19-11, tại cuộc họp báo chung với Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi (Oong Xan Xu Chi) ở thủ đô Nay Pyi Taw, ông Vương Nghị đã đề xuất biện pháp 3 giai đoạn cho vấn đề này, gồm giai đoạn một là đạt thỏa thuận ngừng bắn để người dân địa phương không phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn; trong giai đoạn 2, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Myanmar và Bangladesh duy trì đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi; và giai đoạn 3 là tìm kiếm một giải pháp lâu dài. Giải pháp này đã nhận được sự ủng hộ của Myanmar và Bangladesh. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), Bangladesh và Myanmar đã tiến hành các cuộc thương lượng song phương. Ngoại trưởng Vương Nghị khuyến khích Myanmar và Bangladesh giải quyết vấn đề thông qua tham vấn, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế tạo bầu không khí tốt cho những nỗ lực này, thay vì khiến vấn đề này trở nên phức tạp hơn hoặc lan rộng. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhận định vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khuyến khích hai nước đạt được thỏa thuận về việc hồi hương người tị nạn chạy sang Bangladesh từ Myanmar và thực thi thỏa thuận này. Ông khẳng định với tư cách là người bạn tốt của hai quốc gia này, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.

Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, lệnh ngừng bắn cơ bản vừa được thực thi và điều then chốt hiện nay là ngăn chặn không để nổ ra xung đột. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tạo mọi điều kiện và bầu không khí thuận lợi cho các cuộc tham vấn, đồng thời cho biết khi ông có chuyến thăm Bangladesh hôm 18-11 vừa qua, chính phủ quốc gia Nam Á đã cam kết tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Myanmar xung quanh vấn đề Rakhine. Phía Myanmar cũng đã thể hiện thái độ thiện chí tương tự.Ngày 19-11, trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (Dích-ma Ga-bri-en) và Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Frederica Mogherini (Phrê-đê-ri-ca Mô-ghe-ri-ni), Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi tạo ra một bầu không khí tích cực nhằm giải quyết vấn đề Rakhine tại Myanmar. Theo ông, vấn đề tại bang Rakhine (Ra-khin) của Myanmar là một vấn đề phức tạp liên quan đến lịch sử và khó có thể giải quyết chỉ trong một động thái.

Về phần mình, hai nhà ngoại giao cấp cao của EU đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà Trung Quốc đã đạt được thông qua việc làm trung gian ngoại giao. Bà Mogherini nhấn mạnh EU không có ý định thúc đẩy một giải pháp thông qua việc tăng cường áp lực hoặc áp đặt trừng phạt, đồng thời bày tỏ hy vọng Bangladesh và Myanmar có thể ký một thỏa thuận về hồi hương người tị nạn sớm nhất có thể. Quan chức EU này bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận theo mong muốn từ hai nước, cũng như duy trì liên lạc và phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề bang Rakhine.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni) còn thông báo đã thảo luận các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Rohingya với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (Oong Xan Xu Chi) tại Yangon. Đại diện EU nêu rõ đây là một cơ hội để trao đổi quan điểm với bà Aung San Suu Kyi và chính phủ Myanmar về cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Bà Mogherini nhấn mạnh cách tiếp cận của EU là "tạo ra một không gian đàm phán thay vì gây áp lực".

Trước đó, ngày 6-11, HĐBA LHQ đã ra tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Myanmar kiềm chế các hoạt động quân sự tại bang Rakhine, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn người Rohingya theo đạo Hồi trở về quê hương sau khi buộc phải đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Bangladesh do xung đột. Ngày 19-11, Bộ Ngoại giao Bangladesh thông báo nước này đã bắt đầu đàm phán với Myanmar về việc hồi hương người tị nạn Rohingya. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết Bangladesh và Myanmar đang trong tiến trình thương lượng về một thỏa thuận song phương đối với việc đưa hồi hương những người Rohingya rời Myanmar sang Bangladesh tị nạn. Hai bên cũng có kế hoạch thành lập một Nhóm làm việc chung để thúc đẩy công tác hồi hương này.

* Nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp cộng đồng người Rohingya

Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine, Myanmar, từ ngày 25-8-2017 trong bối cảnh quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới. Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang nhỏ sắc tộc Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Cho dù cộng đồng này đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ, song chính phủ Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước này và coi họ là người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng.

Giao tranh và xung đột nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Bạo lực khiến hàng 600.000 người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, phải rời bỏ nhà cửa, tìm cách vượt biên sang lãnh thổ nước láng giềng Bangladesh để lánh nạn. Tình trạng này đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế, chỗ ở và việc đảm bảo an toàn.

Để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhiều quốc gia trên thế giới đã ủng hộ và cam kết củng Hội người Rohingya.

Trong chuyến thăm Myanmar ngày 15-11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Rếch Ti-lơ-xơn) tuyên bố Washington sẽ cung cấp khoản cứu trợ nhân đạo bổ sung trị giá 47 triệu USD, đưa tổng số tiền Mỹ hỗ trợ người tị nạn Rohingya lên 87 triệu USD kể từ tháng 8 vừa qua.

Tháng 10-2017, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Pháp ngữ Canada Marie-Claude Bibeau (Ma-ri Cờ-lau-đờ Bi-bô) thông báo đã lập Quỹ cứu trợ khủng hoảng Myanmar nhằm giúp những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Chính phủ Canada cũng sẽ đóng góp một khoản tương đương với tổng số tiền thu được để giúp đỡ các nạn nhân tại Myanmar. Từ đầu năm đến nay, Canada đã cam kết hỗ trợ nhân đạo 25 triệu đôla Canada (CAD), tương đương 20 triệu USD, cho Myanmar và Bangladesh. Số tiền này được quyên góp nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ huy động khoảng 400 triệu USD giúp Myanmar và Bangladesh vượt qua cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay.

Các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Myanmar giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. 

Theo TTXVN