Ninh Sơn: Đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng

(NTO) Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, điểm bán nông sản an toàn đầu tiên trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10-1 vừa qua. Việc xây dựng và thí điểm mô hình liên kết sản phẩm nông sản an toàn cung cấp cho gian hàng nông sản sạch tại chợ Tân Sơn, thị trấn Tân Sơn là giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản của nông dân và hơn hết là đưa nông sản an toàn đến tận tay người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân địa phương.

Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Thời gian qua, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng gia tăng do dư lượng các chất như kháng sinh, chất tăng trọng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như ô nhiễm môi trường. Do vậy, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tích cực hướng dẫn các nông hộ sản xuất nông sản theo quy trình, kỹ thuật đảm bảo nông sản an toàn, đồng thời, kiểm tra phân tích nhanh hàm lượng các chất nguy hại cho sức khỏe, kết hợp chỉ dẫn địa lý rõ ràng nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản trước khi cung cấp vào gian hàng để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện gian hàng kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn tại chợ Tân Sơn với mong muốn kết nối giữa người sản xuất nông sản an toàn và người tiêu dùng, nhằm đưa ra các mặt hàng nông sản đã được kiểm tra chất lượng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đồng thời, mở ra cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, tăng sản lượng, giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, góp phần quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Ninh Sơn.

Người tiêu dùng mua hàng tại Điểm bán nông sản an toàn chợ Tân Sơn (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn).

hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 nông hộ tham gia các mô hình thí điểm như trồng rau an toàn, chăn nuôi gà an toàn, trồng lúa sạch để cung cấp cho gian hàng nông sản an toàn tại chợ Tân Sơn. Đối với mô hình trồng các loại rau an toàn như cải, mồng tơi, khoai lang, mướp đắng..., hiện có 2 hộ tham gia với diện tích 0,4 ha, các hộ này được hỗ trợ toàn bộ giống và vật tư thiết yếu; đối với mô hình nuôi gà an toàn, hiện có 1 nông hộ tham gia, được hỗ trợ 300 con gà con và 50% vật tư thiết yếu cho nhu cầu chăn nuôi theo hướng sạch... Để triển khai thí điểm các mô hình, UBND huyện Ninh Sơn đã quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách hơn 82 triệu đồng, các nông hộ đối ứng gần 9 triệu đồng. Trong quá trình hoạt động, vùng sản xuất nông sản, chăn nuôi và điểm bán nông sản an toàn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giám sát thường xuyên theo quy trình. Được biết, để được chọn tham gia mô hình, các hộ nông dân phải có đủ 3 điều kiện, đó là đang sản xuất sản phẩm nông sản như rau củ quả, nấm, trái cây, lúa... và ưu tiên hộ có kinh nghiệm, đã được tập huấn, hướng dẫn sản xuất an toàn, sạch; diện tích đất sản xuất của mỗi hộ đảm bảo trong quá trình thí điểm và nhân rộng. Điều quan trọng hơn hết là nông hộ phải nhiệt huyết với mô hình, am hiểu việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất và hợp đồng sản xuất sinh học. Ông Lê Văn Tuấn (thị trấn Tân Sơn), nông hộ tham gia trực tiếp mô hình nuôi gà an toàn và trồng lúa sạch, chia sẻ: Gia đình tôi được huyện hỗ trợ cho 300 con gà con, các vật tư thiết yếu để chăn nuôi gà và 100% giống để trồng 4 sào lúa. Trong quá trình sản xuất, từng giai đoạn cây trồng và vật nuôi sinh trưởng luôn có cán bộ nông nghiệp huyện đến kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nên tôi có thể tự tin về độ “sạch” của nông sản do gia đình sản xuất.

Không dừng lại ở đó, để góp phần đa dạng hóa các mặt hàng nông sản cung cấp cho cửa hàng nông sản an toàn và tìm đầu ra ổn định cho vùng cây ăn trái của địa phương, ngoài việc hỗ trợ thí điểm các mô hình trên, huyện còn thí điểm mô hình liên kết sản phẩm đối với các loại nông sản như giá đỗ, đậu hũ và cây ăn trái. Với mô hình liên kết này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng sẽ hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất sinh học an toàn và hỗ trợ mẫu kiểm tra sản phẩm trước khi cung cấp vào thị trường.

Tuy nhiên, bước đầu triển khai mô hình nói trên cũng còn nhiều khó khăn như số lượng nông sản sản xuất theo mô hình an toàn còn ít, chưa đủ để cung cấp cho điểm bán, mặt khác, vì đây là cách làm mới nên người tiêu dùng còn phân vân về chất lượng của sản phẩm được bày bán tại đây... Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông sản an toàn để đảm bảo nguồn cung cấp cho cửa hàng kinh doanh, đồng thời sẽ mở rộng thêm từ 2-3 cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn tại các chợ trên địa bàn huyện.