Nông nghiệp Bác Ái trên đà phát triển

(NTO) Bác Ái là huyện miền núi có tiềm năng phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất 12.346 ha. Những năm qua, dựa vào lợi thế tự nhiên, huyện phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành các gia trại, trang trại, liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi đạt được những kết quả đáng kể, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.

Tính đến nay, huyện Bác Ái có tổng đàn gia súc 57.913 con; trong đó, trâu, bò 20.771 con; dê, cừu 11.227 con, số còn lại là heo. Chuyển biến đáng kể nhất đó là lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng chức năng đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung gắn với mở rộng diện tích đồng cỏ; đồng thời tận dụng đất rừng làm nơi chăn thả, chuyển từ nuôi quảng canh phân tán sang thâm canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho hộ nuôi. Chăn nuôi ở huyện Bác Ái vì thế đang phát triển lên tầm cao mới, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.

Vùng sản xuất mía đường tập trung ở xã Phước Đại (Bác Ái).

Lĩnh vực trồng trọt cũng có nhiều chuyển biến, năng suất các loại cây trồng như lúa, bắp tăng hơn 20% so với cách đây 2 năm. Nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh cây trồng tập trung, huyện lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a, vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả, bước đầu “gặt hái” được những thành quả nhất định. Cũng như các huyện miền núi khác, sản xuất nông nghiệp ở Bác Ái gặp khó khăn về đồng ruộng, nương rẫy bị chia cắt do địa hình phức tạp. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng phần nhiều bị bạc màu, không chủ động nước, nên sản xuất bấp bênh. Với quyết tâm giúp nông dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, thời gian qua nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài một số hồ, đập nhỏ cung cấp nước tưới cục bộ như đập Ô Cam (xã Phước Trung), thì các công trình hồ Sông Sắt (Phước Đại) thể tích 69 triệu m3, hồ Trà Co (xã Phước Tân) thể tích 5 triệu m3 đảm bảo cung cấp nước tưới cho hơn 5.000 ha thuộc huyện Bác Ái.

Sau khi hạ tầng thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ, UBND huyện tập trung xây dựng quy hoạch chuyển đổi một số diện tích đất rừng sang đất nông nghiệp để hỗ trợ các hộ nằm trong diện di dời xây dựng các hồ, đập, những hộ thiếu đất sản xuất. Cùng với đó, tranh thủ hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, huyện triển khai nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa-học kỹ thuật với các loại cây trồng đặc thù, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng khu vực, qua đó làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của bà con. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện thực hiện hàng chục mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích hơn 712 ha theo hướng từ phân tán sang canh tác tập trung, trồng luân canh trên đất lúa kém hiệu quả các loại cây bắp, đậu xanh, mè, dưa hấu; chuyển diện tích cây trồng ngắn ngày sang cây trồng dài ngày, chủ yếu là cây ăn trái. Kết quả chuyển đổi cây trồng đúng theo định hướng, chỉ đạo của tỉnh mà huyện đang triển khai thực hiện đã hình thành vùng trồng bưởi da xanh quy mô 55 ha, chuối 25 ha, mãng cầu 3 ha, mía hàng chục ha ở các xã Phước Tân, Phước Bình, Phước Chính, Phước Đại.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo định hướng cơ cấu lại ngành gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, trọng tâm là xây dựng cánh đồng lớn. Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với hộ nghèo phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc thù.