Nông dân lo lắng vì nguồn nước và đất sản xuất bị nhiễm mặn ở Nhơn Hải

(NTO) Đã hơn 2 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) bức xúc về các cơ sở sản xuất giống thủy sản, xả nước thải tràn lan khiến cho nguồn nước và hàng chục ha đất sản xuất của nông dân bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt..

Theo phản ảnh của các hộ dân ở thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2, tình trạng nguồn nước và đất sản xuất đã bị nhiễm mặn khoảng 6 năm qua, nhất là thời gian gần đây khi trên địa bàn xã có nhiều trại sản xuất tôm giống, ốc hương… Các chủ trại bơm nước biển lên sản xuất rồi xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh do không có hệ thống xử lý nước thải. Từ đó, nước biển xả thải thẩm thấu vào đất, khiến cho nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn, nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác. Nếu trước đây, mỗi năm, nông dân trồng 4 vụ, thì nay chỉ còn trồng được 2 vụ/năm, năng suất giảm rất nhiều.

Đất sản xuất và nước vùng thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải đang bị nhiễm mặn.

Theo thống kê của địa phương, hiện có gần 400 cơ sở chuyên sản xuất giống thủy sản. Chúng tôi được biết, xã Nhơn Hải và Thanh Hải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh, với tổng diện tích khoảng 100 ha. Riêng xã Nhơn Hải 80 ha. Đến nay đã có gần 51 ha nằm trong quy hoạch đã xây trại sản xuất tôm giống. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, kết cấu hạ tầng giao thông, điện, hệ thống xả nước thải chung chưa được đầu tư đồng bộ. Trong khi đó, nhiều hộ dân đã thuê đất mở rộng diện tích sản xuất giống thủy sản rồi xả thải nước biển sau khi sản xuất ra hầm rút, không qua xử lý nên nước thẩm thấu vào đất đã gây nhiễm mặn khoảng 30 ha và gây ngập nhiều diện tích ruộng muối của diêm dân nơi đây.

Anh Huỳnh Bá Phụng, ở vùng Gò Cao thôn Mỹ Tường 2 cho biết: Tôi sống và trồng cây hành tím trên vùng đất này đã 20 năm. Trước đây, với 3,4 sào hành cho năng suất 8 tấn/vụ. Giờ đất nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng 2 vụ và năng suất giảm còn 5,5 tấn/vụ. Đất bị nhiễm mặn, củ hành tím không to và màu sắc cũng không bắt mắt như trước. Hai giếng nước của gia đình đã nhiễm mặn nên phải dùng nước sinh hoạt pha với nước giếng để tưới, mỗi vụ tốn thêm 4 triệu đồng tiền nước máy. Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Dân, bộc bạch: Đất và nước đã nhiễm mặn gần 3 năm nay nên việc trồng cây hành tím rất khó khăn. Thời gian gần đây, tôi thử chuyển sang trồng 3 sào cây ngò, nhưng được trên chục ngày, cây có dấu hiệu chết héo.

Nhiều người dân cho chúng tôi hay, mấy năm qua, do tình trạng nhiễm mặn ngày càng lan rộng, để có nước tưới, nhiều nông hộ phải vào trong làng sang nhượng đất để đào giếng rồi từ giếng kéo đường ống tưới dài cả cây số mới tơi đất sản xuất, tốn rất nhiều kinh phí nên lãi từ sản xuất không bằng những năm trước đây. Những hộ giáp ranh không có điều kiện đào giếng, đành phải lấy nước sinh hoạt từ hệ thống nước máy pha trộn với nước giếng, nhằm làm loãng độ mặn để tưới cho cây trồng. Một số hộ khác tìm cách chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang trồng rau ngò hoặc cây trồng khác. Tuy nhiên, thiếu nước tưới, thì năng suất cây trồng ngày càng thấp, thu nhập giảm, đời sống của nhiều nông hộ ngày càng khó khăn...

Trước những bức xúc và kiến nghị của người dân, UBND xã Nhơn Hải đã yêu cầu các chủ trại sản xuất giống hải sản không xây dựng, mở rộng trại về hướng Bắc theo địa giới hành chính của xã và những khu vực giáp với đất sản xuất nông nghiệp của các nông hộ. Các chủ trại chỉ được phép xây dựng và mở rộng trại sản xuất về hướng Nam giáp với biển. Đồng thời, xã cũng đã kiến nghị các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang kết cấu hạ tầng khu vực nằm trong vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản để bảo đảm lợi ích phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế biển của xã.

Ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: Ngoài việc yêu cầu các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải phải nhanh chóng khắc phục và thực hiện đúng theo quy định xả nước thải, xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện giám sát việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như việc xả thải sai quy định của các cơ sở sản xuất giống thủy hải sản để ngành chức năng kịp thời xử lý. Cùng với đó, xã kiến nghị tỉnh, huyện và các ngành liên quan phải nỗ lực hỗ trợ thường xuyên thì xã mới có khả năng giải quyết tình trạng trên.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm mặn nguồn nước, đất sản xuất tại địa phương và nhanh chóng có hướng xử lý, giải quyết tình trạng xả thải chưa đúng quy định của các cơ sở sản xuất thuỷ sản để khắc phục tình trạnh nguồn nước và đất sản xuất bị nhiễm mặn để bà con nông dân an tâm sản xuất.