Bước phát triển hạ tầng giao thông

Với tư duy giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông đi trước, mở đường, Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển.

Trong những ngày tháng Tư năm nay, người dân Ninh Thuận rất phấn khởi khi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối liên vùng được trung ương đầu tư đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài 78,5 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận dài hơn 63km với thiết kế 4 làn xe. Để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo chính quyền các địa phương có tuyến cao tốc đi qua thực hiện tốt công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; kịp thời cung cấp đảm bảo nguồn vật liệu tại chỗ để thực hiện dự án. Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: Cùng với sự chỉ đạo của trung ương, sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, nơi dự án đi qua, giúp chúng tôi đảm bảo tiến độ dự án, hoàn thành đúng như mục tiêu, kế hoạch đề ra. Với việc dự án cao tốc được đưa vào vận hành sẽ kết nối liên hoàn, khơi thông trục cao tốc Nha Trang đi các tỉnh phía Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ Ninh Thuận vào TP. Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho lưu thông vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: T.Duy

Để kết nối cao tốc Bắc - Nam với cảng biển tổng hợp Cà Ná và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, cuối năm 2022, tỉnh đã khởi công xây dựng dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná. Tuyến đường có chiều dài 14,8km, quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang triển khai thi công dự án thành phần 1 nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 dài hơn 10km. Theo kế hoạch, dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 sẽ thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2024. Qua đó sẽ kết nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, mở ra tương lai phát triển cho ngành vận tải đường thủy và cảng biển của tỉnh. Ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Đường nối cao tốc khi hoàn thành đưa vào hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo bước đột phá cho phát triển của huyện Thuận Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Thời gian đến chúng tôi sẽ rà soát làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường để thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án phát triển công nghiệp, du lịch từ tận dụng lợi thế kết nối về giao thông, tạo đột phá cho huyện và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Các đơn vị thi công tuyến đường từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn)
đi Tà Năng (Đức Trọng). Ảnh: V.Nỷ

Với việc tỉnh ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, đến nay, mạng lưới giao thông của tỉnh đã phát triển toàn diện, với tổng chiều dài trên 1.700km, gấp 3,5 lần so với khi tái lập tỉnh năm 1992. Đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã kết nối thông suốt đến tất cả các thôn, xã. Đặc biệt, các tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, cùng với đường nối Tân Sơn - Tà Năng và cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh sau khi đưa vào sử dụng sẽ đưa Ninh Thuận trở thành đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam Bộ.

Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: B.H

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Giai đoạn năm 1992 khi mới tái lập tỉnh hệ thống giao thông địa phương rất hạn chế, về đường bộ trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 27, hệ thống đường địa phương chủ yếu đi qua khu vực thị trấn, thị tứ với chất lượng mặt đường xấu (chủ yếu mặt đường láng nhựa, cấp phối, đường đất), các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị chia cắt nhiều, việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, rất khó khăn. Đến nay sau 32 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới giao thông Ninh Thuận đã từng bước được xây dựng theo đúng quy hoạch, tạo thành một hệ thống liên hoàn từ quốc lộ - tỉnh lộ - huyện lộ - đến các đường liên xã, trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên. Ảnh: V.M

Trong thời gian tới, với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Cảng hàng không Thành Sơn được khai thác lưỡng dụng. Điều này sẽ giúp Ninh Thuận hoàn chỉnh 5 phương thức vận tải, gồm: Đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa và đường không; mở ra động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh cho địa phương.

Với những phát triển vượt bậc hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là những dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng trong thời gian qua chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Ninh Thuận liên kết phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong hành trình đi đến tương lai, tư duy phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước mà tỉnh đang triển khai thực hiện sẽ tiếp thêm động lực để Ninh Thuận vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh có thu nhập khá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.