Đất nghèo "hồi sinh" từ các nghị quyết

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, biến nhiều vùng đất hoang hóa thành vùng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả doanh nghiệp và người dân.

Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước).

Đổi thay vùng bán sa mạc “3 không”

“Không hạ tầng, không nước, không điện” là hiện thực của dải đất cát hoang hóa bạc màu ven biển xã An Hải (Ninh Phước) nhiều năm trước. Nhưng giờ đây, những đồi cát trắng ấy đã trở thành vùng rau an toàn với hàng trăm ha diện tích đạt các chứng chỉ từ VietGAP đến GlobalGAP và cả Organic.

Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước) cho biết: Năm 2018, sau thời gian khảo sát và nghiên cứu, tôi quyết định chọn vùng đất tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải thành lập trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn - đa tầng với diện tích gần 20ha. Đây là một quyết định mạo hiểm bởi trong số 20ha này có hơn phân nửa là những cồn cát trắng bỏ hoang như sa mạc.

Theo ông Tiến quy trình sản xuất nông nghiệp theo mô hình khép kín của ông đều tận dụng toàn bộ sản phẩm trong trang trại. Bắt đầu từ những phế phẩm của cây măng tây, đậu phộng, mè... sẽ dùng làm nguồn thức ăn cho đàn bò hơn 500 con; nguồn phân bò dùng nuôi trùn quế; phân trùn quế làm phân bón lại cho cây măng tây, đậu phộng, mè và một số loại thảo mộc, rau ăn lá. Riêng thịt trùn quế được dùng làm nguồn thức ăn cho cá, gà... Hiện nay, trang trại còn sản xuất thêm 2 sản phẩm là: Chế phẩm thảo mộc Neem NNT-18 được chiết xuất từ cây neem và sản phẩm chế phẩm sinh học CNT-18 được sản xuất từ nguồn cá biển đánh bắt gần bờ của bà con trong khu vực. Đây là 2 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp bà con tận dụng nguyên liệu vốn có của tỉnh mà còn thay thế hoàn toàn sản phẩm phân, thuốc ngoại nhập, giá thành cao. Và chỉ sau một năm đầu khảo nghiệm, các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của Trang trại Tiên Tiến đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn Organic năm 2019, giúp cho trang trại mang về nguồn doanh thu hơn 10 tỷ đồng trong năm.

Vườn thú ZooDoo Phan Rang nằm trong Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến thu hút đông học sinh đến tham quan, trải nghiệm.

Hiệu quả bước đầu của mô hình đã tạo niềm tin để trang trại tiếp tục du nhập nhiều giống cây trồng mới thích ứng với điều kiện nắng nóng và nguồn nước nhiễm mặn tại đây. Hiện, trang trại đã mở rộng đến cơ sở 2 và 3 với hơn 200/720ha diện tích phát triển kinh tế nông nghiệp CNC, bao gồm dự án vườn thú thân thiện và nhiều dự án trồng trọt, chăn nuôi và phủ xanh đồi trọc đều thích ứng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Thành công của trang trại không chỉ góp phần tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng/tháng, Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến còn là đầu mối hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và tiêu thụ nông sản cho gần 200 hộ nông dân của Hợp tác xã (HTX) Tuấn Tú (xã An Hải), hoàn chỉnh chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (Organic), từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân địa phương. Thời gian gần đây, Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến là điểm yêu thích được khách du lịch trong, ngoài tỉnh chọn tham quan, trải nghiệm khi đến Ninh Thuận, nhất là các bạn học sinh, sinh viên; đây còn là “địa chỉ” được các cấp hội nông dân tổ chức tham quan mô hình, học hỏi và cùng trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Người “hồi sinh” cây nha đam

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food bén duyên với cây nha đam Ninh Thuận từ năm 2008, thời điểm đó, sản phẩm nha đam bà con làm ra chất lượng không đồng đều, tiêu thụ rất khó khăn, được mùa thì mất giá nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Với quyết tâm tìm hướng đi bền vững cho loại cây đặc thù này, từ năm 2015 GC Food đã đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền chế biến hiện đại theo chuẩn quốc tế FSSC 22000 và phát triển vùng nguyên liệu nha đam tại Ninh Thuận hơn 200ha, trở thành một trong những đơn vị sản xuất và xuất khẩu nha đam lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công suất của nhà máy có thể đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm, sản phẩm được xuất khẩu ra 20 quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch GC Food cho biết: Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm, thuộc GC Food, đặt tại Khu công nghiệp Thành Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã thực hiện liên kết “4 nhà”, mở rộng liên kết với bà con và HTX trong toàn tỉnh; đồng thời phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu mới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn tại các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn...; VietFarm đối ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, tạo sinh kế cho bà con và HTX liên kết. Giá thành nguyên liệu nha đam từng nằm sát đáy 200 đồng/kg tại vườn, đến nay, đã tăng lên 3.000-4.000 đồng/kg; nhiều vùng quê canh tác nha đam cung cấp nguyên liệu cho VietFarm giờ đã thay đổi, các hộ nông dân đang canh tác cây nha đam cho nhà máy cũng có cuộc sống ấm no, ổn định và đủ đầy hơn. Ngoài ra, VietFarm còn đầu tư phòng nuôi cấy mô cây nha đam quy mô lớn 3 triệu cây/năm cung cấp cho bà con cây giống sạch bệnh và năng suất cao; xây dựng quy trình và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, nghiên cứu các dòng phân, thuốc chuyên dùng cho cây nha đam chuyển giao đến bà con để phát triển quy mô lớn, hướng đến 500ha nha đam tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2023-2025 để đảm bảo nhu cầu thị trường.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt vào ca sản xuất. Ảnh: Uyên Thu

Không dừng lại ở đó, năm 2018, Trang trại Sun & Wind (thuộc GC Food), tại vùng đất hoang hóa thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) được xây dựng theo chuỗi hữu cơ Organic gồm trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và tái chế phân vi sinh khép kín từ phế phẩm cây nha đam. Với diện tích gần 100ha, trang trại được quy hoạch trồng nhiều loại nông sản đặc thù của tỉnh như: Táo, nho, ổi, dưa lưới, nha đam... và chăn nuôi gần 1.000 con bò, cừu; tất cả được trồng và canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy trình nghiêm ngặt, đồng thời ứng dụng các phương pháp tự nhiên để cải tạo đất như trồng đậu xanh xen các vườn cây, trồng cỏ Vetiver để cải tạo đất và tạo sinh khối..., từ đó cho ra sản phẩm chất lượng cao. Hiện, các sản phẩm trái cây tại trang trại đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín; trong đó, sản phẩm dưa lưới, táo mật và nho xanh đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021 của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; sản phẩm dưa lưới, táo và ổi đạt chứng nhận OCOP 4 sao; sản phẩm táo, dưa lưới, nho, ổi, nha đam cũng đã đạt chứng nhận GlobalGAP năm 2022...

Theo Chủ tịch GC Food, GC Food là một công ty hướng tới cộng đồng. Đầu tiên là nông sản sạch, tạo công ăn việc làm cho người dân, hướng đến liên kết với nông dân để lan rộng hơn về phương thức canh tác tự nhiên, tiếp đến là nơi để người dân nghỉ ngơi, gắn kết với thiên nhiên và những giá trị gắn liền với giáo dục, kiến thức nông nghiệp cho mọi người, mọi nhà cùng phát triển, đưa nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng phát triển xa hơn nữa.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập. Từ năm 1992 đến nay, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNC vào sản xuất. Hiện, toàn tỉnh có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 565ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 938 triệu đồng/ha/năm, riêng dưa lưới và nho CNC đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ có từ 3-5 vùng nông nghiệp CNC với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 1.000ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha.