Chiến dịch "dài hơi" của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc

(NTO) Ngày 4-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên tiếng cáo buộc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự, kinh tế, lợi dụng mạng lưới tình báo và các chiến dịch tuyên truyền để hủy hoại Mỹ trên khắp thế giới. Ông cũng nhấn mạnh một nhận định không có bằng chứng cụ thể là Trung Quốc toan tính can thiệp vào chính trường nội bộ Mỹ. Bài phát biểu của Pence tại Viện Hudson có thể xem là lời tuyên bố mà Mỹ đích thân nhằm vào Trung Quốc, coi quốc gia này là một kẻ thù thâm hiểm.

Điều mà người ta có thể khẳng định hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã không chỉ xoay quanh các vấn đề thương mại, mà đó là còn là cách để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có vẻ như Mỹ đang thúc đẩy một chiến dịch dài hơi với mục tiêu trước hết là để thể hiện sức mạnh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) và răn đe Trung Quốc. Thứ hai là để đánh bật Trung Quốc khỏi vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và thứ ba là “khuyến khích” các doanh nghiệp đa quốc gia như Google hay Samsung chuyển hướng làm ăn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những mục tiêu này đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, khi Mỹ tuyên bố giải tỏa khúc mắc trong vấn đề thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc. Mexico chấp nhận các nguyên tắc mới về sản xuất ôtô cũng như tiền lương cho nhân công trong ngành nghề này. Hàn Quốc chấp nhận mua thêm ôtô và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, trong khi Canada nhượng bộ để các nhà sản xuất bơ sữa của Mỹ tham gia thị trường Canada và giới hạn kim ngạch xuất khẩu ôtô. Thực tế, các thỏa thuận được đàm phán lại về cơ bản vẫn giữ nguyên như phiên bản gốc. Và giờ đến lượt Nhật Bản chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, điều mà họ trước nay vẫn luôn chần chừ.

Những diễn biến này hoàn toàn đối lập với quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Ngày 24/9, Mỹ và Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” với các khoản thuế mới đánh vào hàng hóa xuất khẩu của nhau. Mỹ áp thuế 10% với khoảng 5.745 mặt hàng nhập từ Trung Quốc như xe đạp và đồ gỗ. Trung Quốc đáp trả với khoản thuế từ 5-10% với 5.207 mặt hàng, gồm mật ong cho tới hóa chất, nhập khẩu từ Mỹ. Tổng thống Trump thậm chí còn đe dọa áp thuế bổ sung đối với số hàng hóa trị giá 267 tỷ USD nhập từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh trả đũa. Đe dọa này hoàn toàn có thể trở thành sự thật.

Có ý kiến cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tránh để mâu thuẫn trong thương mại ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, song ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ranh giới này đang bị xóa nhòa.

Mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 26/9 rằng Trung Quốc đang toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ và những hành vi này có liên quan tới các tranh cãi về thuế giữa 2 quốc gia. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “có thể không còn là một người bạn của tôi nữa”. Cũng tại đó, ông nói rằng Mỹ có những bằng chứng chứng minh hành động của Trung Quốc. Một vài giờ sau, một quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc đang cố tình có những biện pháp thương mại gây thiệt hại cho các nông dân và người lao động tại các khu vực cử tri ủng hộ Tổng thống Trump.

Hệ quả của những mâu thuẫn này là tác động nghiêm trọng tới quan hệ quân sự giữa hai nước. Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố áp đặt trừng phạt với Ủy ban Phát triển Phương tiện của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng như giám đốc của cơ quan này vì vi phạm Đạo luật Chống Đối thủ thông qua các biện pháp trừng phạt(CAATSA) do Trung Quốc đã mua các máy bay S-400 và Su-35 của Nga. Trung Quốc hết sức tức giận và đáp trả bằng cách hủy bỏ cuộc gặp của một quan chức hải quân Mỹ và triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc tới để bày tỏ quan điểm. Trung Quốc cũng hủy cuộc đối thoại an ninh cấp bộ trưởng hai nước và từ chối đón tiếp tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong. Trong khi Tổng thống Trump đặt dấu hỏi về tình bạn của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình thì máy bay ném bom B-52 của Mỹ liên tục hoạt động trong không phận Biển Đông. Trước đó vào tháng 5, Mỹ cũng đã hủy lời mời Trung Quốc tới dự cuộc tập trận RIMPAC 2018.

Câu hỏi mà nhiều người băn khoăn là phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang từng bước sa chân vào một cuộc xung đột vũ trang? Liệu có phải những dự đoán về “bẫy Thucydides”, những rủi ro khi một cường quốc lâu năm tìm mọi cách để ngăn chặn một quyền lực mới đang lên, đã dần trở thành hiện thực? .