Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Ngày 14-3-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 945/2019/KH-UBND về việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm (MD), cai nghiện ma túy (MT) và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2019. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực về các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 945/2019/KH-UBND về các nội dung triển khai trong năm 2019.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết mục đích, chỉ tiêu phấn đấu trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) trong năm 2019?

- Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1081/2016/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống MD tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 3080/2016/KH-UBND của UBND tỉnh về việc cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện MT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4087/2016/KH-UBND của UBND tỉnh về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngày 14-3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 945/KH-UBND triển khai công tác phòng, chống MD, cai nghiện MT và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2019. Thông qua việc ban hành kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ CB, CCVC và nhân dân về hiểm họa của MD, MT, tội phạm mua bán người. Từ đó, chủ động đấu tranh, phòng ngừa, góp phần trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tiến tới đẩy lùi các loại TNXH trong đời sống xã hội.

UBND tỉnh đề ra các chỉ tiêu phấn đấu như sau: Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động MD và xử lý nghiêm 100% số vụ việc, đường dây hoạt động MD, hoạt động MD trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Duy trì, giữ vững 16 xã, phường, thị trấn và công nhận mới 2 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn MD, MT. Phấn đấu giảm từ 5-10% số người nghiện MT hiện có hồ sơ quản lý; 100% người nghiện đã hoàn thành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện MT, gia đình và cộng đồng được quản lý sau cai nghiện với nhiều hình thức phù hợp, được hỗ trợ sau cai nghiện ổn định cuộc sống; 100% người cai nghiện MT có nhu cầu học nghề được tư vấn và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; 100% các trường hợp là người bị mua bán trở về được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước khi có yêu cầu; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong công tác phòng chống MD, cai nghiện MT và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

* Phóng viên: Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống TNXH, tỉnh đề ra những giải pháp gì?

- Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Như đã nêu trên, để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống TNXH, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 945/KH-UBND, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch trên để xây dựng chương công tác, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống TNXH trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và các quy định về công tác phòng chống MD; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; công tác hỗ trợ người nghiện MT, MD hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về; tuyên truyền để mọi người hiểu về tác hại của MT, nghiện MT, lợi ích của việc cai nghiện MT và điều trị bằng các chất thay thế kết hợp với tư vấn phòng, chống tái nghiện; tệ nạn MD, tội phạm mua bán người trong CB, CCVC và người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm, TNXH về MT, MD, mua bán người. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác truyền thông, vận động người nghiện MT đi cai nghiện, người đang sử dụng MT từ bỏ MT, người hoạt động MD chuyển đổi nghề, tham gia công tác tiếp nhận và hỗ trợ người sau cai nghiện, người nghiện MT, MD hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về gắn với các cuộc vận động thực hiện phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, khu dân cư văn hóa.

Tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến MD. Điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến MD; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến MD từ cơ sở. Xét xử nghiêm minh tội phạm liên quan đến hoạt động MD, có các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người vì mục đích MD, nhất là các nạn nhân là trẻ em. Lồng ghép chương trình, chính sách an sinh xã hội với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, trẻ em, các hộ gia đình nghèo nhằm phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến MD.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác cai nghiện MT. Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện MT tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cắt cơn giải độc, giáo dục, tư vấn dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện cho người nghiện MT tại cơ sở cai nghiện MT. Xây dựng các văn bản triển khai công tác cai nghiện MT tại gia đình, cộng đồng theo các văn bản của Trung ương phù hợp với tình hình ở địa phương. Tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tuợng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tội phạm mua bán người. Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

* Năm 2018, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm về MT, MD, buôn bán người. Trong năm, toàn Đoàn đã tổ chức 1.812 đợt tuyên truyền pháp luật về công tác phòng chống tội phạm MT, MD, mua bán người, ATGT… cho 68.860 ĐVTN và Nhân dân; 936 đợt giáo dục truyền thống cho 25.343 lượt ĐVTN; tổ chức treo 1.079 băng rôn, 446 đợt ra quân diễu hành tuyền truyền thu hút hơn 43.190 lượt ĐVTN và nhân dân tham gia.

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống MT trên địa bàn tuyến biên giới biển. Năm 2018, đã tổ chức 21 buổi với 2.500 lượt người dân tham dự, thông qua các buổi tuyên truyền giúp người dân vùng biển nhận thức rõ tác hại của MT cho xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trên tuyến biển trong việc đề cao cảnh giác và tham gia tích cực công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn MT.