UBND tỉnh triển khai công tác chuyển đổi số năm 2024

Ngày 25/3, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác CĐS năm 2024 và Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh được quan tâm, tập trung triển khai và đạt được kết quả quan trọng, có 17/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức số, kỹ năng số được tiếp tục quan tâm thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các đơn vị đều thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và kế hoạch CĐS để chỉ đạo triển khai thực hiện. Về phát triển chính quyền số, việc trao đổi, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng đạt 98,90% đối với cấp tỉnh, 96,52% đối với cấp huyện và 94,89% đối với cấp phường, xã. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân toàn tỉnh đạt 97,22%, tăng 9,48% so với cùng kỳ. Về phát triển kinh tế số, tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 314.792 tỷ đồng, tăng 67.436 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đối với phát triển xã hội số, đã đẩy mạnh triển khai các nền tảng hỗ trợ giáo dục và dạy học, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, công dân số, thanh toán số trên địa bàn tỉnh; thu thập và cập nhập lên phần mềm nền tảng địa chỉ số là 146.587 địa chỉ, đạt 100%....

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đối với công tác triển khai Đề án 06/CP cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật, Ninh Thuận là một trong 28 đơn vị tỉnh, thành trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân, về đích sớm hơn 52 ngày so với chỉ tiêu Bộ Công an giao; là một trong 24 tỉnh/thành phố hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân; tỷ lệ thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu đạt 85,2%; lực lượng Công an các cấp đã hoàn thành 14 chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”…

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hướng dẫn các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch CĐS năm 2024 của từng cơ quan, đơn vị đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lộ trình gắn với bố trí nguồn lực thực hiện. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, xóa vùng lõm sóng, phủ sóng 5G, hoàn tất trong tháng 4/2024. Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu hoàn thiện, có độ kết nối cao với hệ thống quốc gia, tăng cường kết nối đồng bộ của tỉnh; nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện, ứng dụng công nghệ khai thác thuận tiện, hiệu quả dữ liệu dùng chung phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành và hoạt động của người dân, doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; triển khai các giải pháp nâng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh. Phát triển phần mềm số hóa lưu trữ dữ liệu điện tử theo Đề án 06/CP. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thực hiện CĐS; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm; phát huy năng lực, thế mạnh của các đối tác chiến lược đã ký kết trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện việc triển khai, thực hiện chữ ký số đạt tỷ lệ 100%; đồng thời, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ CĐS của ngành, địa phương mình, trong đó bảo đảm nội dung năm 2024 mỗi ngành, địa phương và 100% các xã, phường, thị trấn đăng ký “có tối thiểu 1 sản phẩm CĐS”.