Hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng

(NTO) Tỉnh ta có diện tích đất tự nhiên trên 3.358 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có gần 70.000 ha. Tuy diện tích đất không lớn, nhưng lại có các vùng khí hậu đa dạng, hình thành nên 3 tiểu vùng kinh tế rõ rệt, gồm: vùng biển, vùng đồng bằng và miền núi, gắn với các tiềm năng, lợi thế như hệ thống các công trình thủy lợi được đầu tư hoàn thiện là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp, trong đó hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng.

Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, nhiều vùng nông thôn ở tỉnh ta đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình luân canh cây trồng trên đất ruộng chủ động nước; mô hình liên kết “bốn nhà” để ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa giống, bắp lai, đậu xanh; mô hình hợp tác xã nông nghiệp để cơ giới hóa các khâu thu hoạch, làm đất, góp phần giải phóng đáng kể sức lao động cho nông dân.

Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) chăm sóc táo. Ảnh: Thanh Long

Nhờ đó, năng suất, chất lượng các loại cây trồng cũng ngày tăng rất đáng kể. Cụ thể như đối với cây lúa, nếu năm 2005 năng suất bình quân chỉ đạt 45,5 tạ/ha thì đến nay đạt gần 60tạ/ha; tương tự các loại cây như thuốc lá trước đây chỉ đạt 20 tạ/ha, đến nay tăng lên 24 tạ/ha; mía từ 49 tấn lên 51 tấn/ha; nho từ 16 tấn lên 23,5 tấn/ha.

Những kết quả kể trên là rất đáng mừng, tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta hiện nay vẫn còn mang tính thuần nông. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán và cây lúa vẫn đang được xem là cây trồng chủ lực. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là sức cạnh tranh các loại hàng hóa nông sản còn thấp, "đầu ra" thiếu ổn định, nên thu nhập của phần lớn các nông hộ chưa cao, dẫn đến chưa tạo được sức bật cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đây không chỉ là thách thức lớn đối với ngành Nông nghiệp, mà còn là nỗi băn khoăn của nhiều nông hộ. Do đó, để người nông dân thực sự làm giàu từ đất đai hiện có, định hướng của ngành Nông nghiệp đó là từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần cơ cấu cây lương thực, tăng dần cơ cấu cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Qua sàng lọc, ngành đã chọn ra 8 loại cây trồng chính đó là: Lúa, bắp, mì, mía, thuốc lá, nho, táo và cây cao su để có chính sách đầu tư, hướng đến hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh. Dựa trên quan điểm phát triển này, một số địa phương đã vận dụng khá linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết hình thành các HTX, Tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng “thị trường hóa” đạt hiệu quả. Cụ thể như ở huyện Ninh Phước, để hướng nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, ngoài việc quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, địa phương còn phối hợp triển khai các mô hình sản xuất mới cho nông dân như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình “Sản xuất rau an toàn” và mới đây còn phát triển thêm mô hình “Trồng táo kết hợp với nuôi dê vỗ béo”. Đây là mô hình mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao, đang được nhiều nông hộ áp dụng.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) sản xuất theo mô hình Rau an toàn. Ảnh: Văn Miên

Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, với đặc điểm dễ trồng, đạt hiệu quả kinh tế cao và cho thu hoạch quanh năm, nên hiện nay cây táo đang được nông dân tỉnh ta chọn làm cây trồng để thay thế dần cho một số loại cây trồng kém hiệu quả. Hiện nay, tổng diện tích cây táo trên 1.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 28.000 tấn. Chất lượng trái táo xanh Ninh Thuận đã trở thành đặc sản nổi tiếng, quả to, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, giòn. Và hiện đã có không ít nông hộ đạt tổng mức thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/năm từ mô hình trồng táo. Với thâm niên trên 10 năm trồng táo, ông Dương Văn Ấm, ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) cho biết, trước đây trên 3 ha đất rẫy, gia đình ông đầu tư trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng đều không mang lại hiệu quả. Năm 2002, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng táo. Nhờ đầu tư đúng hướng và chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn táo của gia đình ông phát triển rất tốt, cho sản lương khá cao. Theo ông Ấm, trong điều kiện ổn định, mỗi năm 1 ha táo cho năng suất trung bình 50 tấn, cá biệt ở những nơi đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha. Với giá bán trung bình 5 – 6 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về gần 500 triệu đồng.

Cùng với cây táo, hiện nay tỉnh ta đang khuyến khích nông dân khôi phục lại cây nho với diện tích trên 720 ha, dự kiến đến năm 2015 sẽ phát triển lên khoảng 2.000 ha. Đặc biệt, tỉnh cũng đang tiếp tục hướng đến phát triển thêm một số loại cây có giá trị kinh tế khác như ớt, bông vải... Trong đó, đối với cây ớt hiện tỉnh ta đã thực hiện ký kết ghi nhớ với Tập đoàn Cheiljedang Corporation (CJ) của Hàn Quốc tại Việt Nam để phát triển vùng chuyên canh cây ớt với diện tích từ 500-600 ha, quy mô sản xuất 3.000 tấn ớt khô, tương đương 12.000 tấn ớt tươi/năm để cung cấp cho ngành thực phẩm của Tập đoàn CJ.

Để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo định hướng mà ngành nông nghiệp đã đề ra, đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Trước mắt ngành sẽ tập trung hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học- kỹ thuật mà trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới cho nông dân theo hướng liên kết thành các tổ hợp tác, HTX nhằm ưu tiên tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Để giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bằng các chính sách ưu đãi đầu tư, ngoài việc cải tạo, nâng cấp Nhà máy Chế biến tinh bột mì lên 10.000 tấn sản phẩm/năm, Nhà máy Đường Phan Rang công suất ép lên 1.500 tấn mía cây/ngày, tỉnh sẽ kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy mới về chế biến nông sản và chế biến sản phẩm chăn nuôi trong các khu, cụm công nghiệp, như: Nhà máy Chế biến rượu vang nho, công suất 3 triệu lít/năm; Nhà máy Chế biến bột cá 2.000 tấn/năm; phát triển cụm nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Thuận Bắc với quy mô từ 100 – 200 ha, sau đó phát triển ra các vùng khác... Phấn đấu đến năm 2020, đưa tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt 6,5%/năm, GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20% GDP toàn tỉnh.

Bài toán về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì đã rõ, vấn đề còn lại là các ngành và các địa phương cần phối hợp và xây dựng lộ trình phát triển phù hợp để biến tiềm năng sớm thành cơ hội phát triển.