KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2014):

Người dân công hỏa tuyến năm xưa

(NTO) Chúng tôi rất vinh dự khi được gặp bác Nguyễn Văn Thiện (ảnh), người dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Nghe bác kể về những kỷ niệm, khí thế hừng hực và cả sự hy sinh, vất vả của lực lượng Dân công hỏa tuyến- những con người góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bác Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1933) quê ở xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng quê nghèo của bác chưa một ngày yên bình. Bác vẫn nhớ như in nạn đói năm 1945 đã cướp đi biết bao người dân trong làng. Rồi cả cái ngày 17-4-1953, khủng khiếp nhất trong đời, máy bay Pháp ném bom, cùng lúc giết chết 60 người trong làng. Chính vợ chồng người chú ruột của bác cũng là nạn nhân xấu số trong đợt oanh tạc đó. Chứng kiến cảnh điêu tàn, từ thuở nhỏ, bác Thiện đã ý thức được tất cả mọi thống khổ đều do thực dân Pháp gây nên.

 
 
Bác Nguyễn Văn Thiện - Người dân công hỏa tuyến năm xưa.

Khi 21 tuổi, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, bác Thiện cùng nhiều thanh niên trai tráng trong làng hăng hái tình nguyện gia nhập đội Dân công hỏa tuyến tham gia làm tuyến đường từ Dốc Giang (Thanh Hóa) đến Hòa Bình, chuẩn bị mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Bác kể: Công việc làm đường hồi đó hết sức gian khổ, nặng nhọc, thiếu thốn, mọi việc từ phá đá, xuyên rừng, mở đường… chỉ dựa vào sức người là chính với các phương tiện thô sơ như cuốc, xẻng… Không có vật liệu, anh chị em dân công phải tìm đến những con suối, có khi cách xa hàng mấy cây số, chuyển những hòn đá cuội về lót đường. Sau khi tham gia mở đường, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bác Thiện lại tiếp tục tham gia công tác vận tải lương thực từ Thanh Hóa đến Hòa Bình tiếp tế cho chiến trường. Thời điểm đó, mỗi dân quân được quy định vác 25 kg lương thực. Ban ngày, do máy bay oanh tạc dữ đội hầu như không đi được nên mọi công việc đều phải thực hiện vào ban đêm. Ngoài vận chuyển lương thực, bác cũng như anh chị em còn làm nhiều công việc khác như tiếp nhận, vận chuyển thương bệnh binh từ chiến trường về Khu 4, tải đạn cho chiến trường… Ròng rã suốt mấy tháng trời băng rừng lội suối, cơm vắt, rau rừng, vất vả dưới bom đạn nhưng không làm nản chí người Dân công hỏa tuyến, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày tháng lăn lộn, vất vả, ngay khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bác đã mắc căn bệnh sốt rét, phải điều trị suốt 2 năm trời.

Trở về quê nhà, bác Thiện tiếp tục tham gia vào các phong trào cứu quốc, đảm nhận nhiều công tác ở địa phương: Trưởng ban tuyên truyền của xã, Chủ tịch HTX Tín dụng, cán bộ Ngân hàng Nhà nước của tỉnh Hà Nam Ninh… Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, bác Thiện được điều vào tỉnh Thuận Hải công tác trong ngành Ngân hàng. Năm 1986 bác Thiện vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1997, bác nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao nhưng bác vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia nhiều hoạt động, phong trào ở địa phương, giữ nhiều trọng trách, như: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Thành Hải… và hiện đang giữ Chủ tịch Hội Người Cao tuổi phường Đài Sơn (Phan Rang- Tháp Chàm).