Nông dân Phước Thuận: Trồng Súp - lơ vụ tết

(NTO) Về thôn Thuận Lợi (xã Phước Thuận, Ninh Phước) trong những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là gặp những vườn súp-lơ xanh tốt trên đất phù sa màu mỡ dọc theo bờ sông Quao.

Toàn thôn hiện có 265 hộ dân, với hơn 2.100 nhân khẩu, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng nho, táo và chăn nuôi gia súc. Nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương còn canh tác các loại rau màu góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.

Nông dân thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận trồng súp-lơ vụ Tết.

Theo Trưởng thôn Nguyễn Trần Anh Tuấn, thôn Thuận Lợi trồng súp-lơ nhiều nhất xã Phước Thuận, riêng vụ đông – xuân năm nay bà con xuống giống hơn 5 ha. Từ tháng 8 – 2014, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã hỗ trợ nông dân triển khai mô hình trồng rau an toàn (RAT) cho 15 hộ trên quy mô diện tích 2,5 ha (súp–lơ) và 1 ha (cà pháo). Ngoài việc hỗ trợ phân bón cho các hộ tham gia mô hình, Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục, Trạm Bảo vệ thực vật mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Qua áp dụng quy trình kỹ thuật trồng RAT, bà con dần thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: Sử dụng các chế phẩm sinh học; ngưng bón phân, xịt thuốc trước thu hoạch theo thời gian quy định; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng nâng cao, bông lơ “sạch” thường nở to, đẹp, có thể đạt trọng lượng gần 1,5kg/ bông. Chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cũng giảm đi đáng kể, nhất là giảm nguy hại tới môi trường và ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật đối với nhà nông và người tiêu dùng.

Sau nhiều năm “ghiền” cây súp-lơ, năm nay anh Trương Ky tiếp tục dành 5 sào đất trồng súp-lơ vụ đông – xuân theo mô hình sản xuất RAT. Anh Ky chia sẻ, súp-lơ là cây ngắn ngày cần ít vốn lại quay vòng nhanh, nếu có thấp giá thì cũng lời ít chứ không lỗ bao giờ. Anh khoe với chúng tôi, lứa súp-lơ vừa rồi anh bán cho thương lái với giá 5.000–7.000 đồng/ bông, sau khi trừ chi phí thu lãi được 30 triệu đồng. Hiện nay gia đình anh đang tập trung chăm sóc cho vườn lơ trên 20 ngày tuổi, dự kiến 30 ngày nữa sẽ thu hoạch đồng loạt và kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Không chỉ ở Thuận Lợi, cây súp-lơ còn được trồng rải rác ở hầu hết các thôn trong xã, dưới những vườn nho, táo đang thời điểm cắt cành hoặc xen giữa những cây mới trồng. Như những năm trước đây, nông dân xã Phước Thuận trồng súp-lơ vụ Tết thường có nguồn thu tương đối ổn định từ 5-9 triệu đồng/ sào. Chứng tỏ được giá trị kinh tế mang lại cho người dân địa phương, súp-lơ trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông – xuân, bên cạnh các loại rau màu khác như hành lá, khổ qua, cà pháo…