Hội thảo khoa học: Đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2015); giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), UBND tỉnh phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử. Qua đó khẳng định và làm sáng tỏ sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 6, của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận đã tạo nên sức mạnh đập tan“Lá chắn thép” Phan Rang của địch, góp phần giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết về sự kiện nói trên.

"Lá chắn thép" Phan Rang - Một trong những nỗ lực cuối cùng của quân đội Sài Gòn trong Chiến dịch mùa xuân 1975

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, chỉ chưa đầy một tháng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn và hai quân khu gồm 12 tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và toàn bộ Tây nguyên do Ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát.

Nhằm cứu vãn tình thế, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết tâm dựng lên ở Phan Rang một "lá chắn thép", hòng chặn đứng bước tiến của Đại quân ta, giữ vững thế phòng ngự chiến lược cho tới mùa mưa sẽ tính toán những bước đi chiến lược tiếp theo. Thiệu cho rằng: Nếu để mất Phan Rang thì “Cộng sản” có thể dùng sân bay này tiến công Sài Gòn. Cái sống, cái chết bây giờ ở Phan Rang.

Với toan tính đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Quân đội Việt Nam cộng hòa huy động tập trung tại đây một lực lượng mạnh với hơn 10 ngàn quân đủ sắc lính được trang bị đầy đủ và sự yểm trợ mạnh của pháo binh, không quân, pháo hạm.

 
Quân giải phóng tiến công vào Tòa Hành chính Ngụy quyền tỉnh Ninh Thuận sáng ngày 16-4-1975. Ảnh: TL

Có một lực lượng mạnh, Quân lực Việt Nam cộng hòa bố trí tuyến phòng thủ dày đặc, lấy cửa ngõ Du Long làm phòng tuyến then chốt, dọc theo quốc lộ 1 Tổ chức nhiều tuyến phòng thủ vững chắc ở Suối Đá, Bà Râu – Kiền Kiền, Ba Tháp, Hộ Diêm, An Xuân - Cà Đú và các loại hỏa lực chiếm giữ trên các điểm cao, dọc 2 bên đường. Phía sau là các trận địa pháo binh, không quân sẵn sàng yểm trợ đắc lực.

Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy đóng tại sân bay Thành Sơn, xung quanh là lực lượng của Lữ đoàn 2 dù và Sư đoàn 6 không quân được tổ chức phòng ngự liên hoàn, chặt chẽ. Phía Tây, trên đường 11, địch bố trí Trung đoàn 4 bộ binh thuộc Sư đoàn 2, cùng các đơn vị bảo an, dân vệ chốt giữ từ Đèo Cậu về đến Tháp Chàm… Với thực lực đó, chính quyền và Bộ chỉ huy Quân đội Sài Gòn nuôi hy vọng sẽ chặn đứng được Cánh quân Duyên Hải trước cửa ngõ Phan Rang.

Sau khi “lá chắn thép” cơ bản được hình thành, địch dùng không quân và pháo binh đánh sập cầu Tân Mỹ trên đường 11 và nhiều cầu cống dọc tuyến quốc lộ l từ Du Long vào Phan Rang nhằm ngăn chặn xe tăng, thiết giáp của ta tiến công, đánh chiếm vào thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn.

Về phía ta, quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là phải hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 (thuộc Mặt trận B3 Tây Nguyên) lập tức đánh chiếm Phan Rang, mở thông đường cho các lực lượng từ phía Bắc tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Đội hình Trung đoàn 25 cơ động theo đường Bác Ái tiến sát phía Tây sân bay Thành Sơn, Bắc Đèo Cậu để phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương thực hiện phương án đánh phá sân bay Thành Sơn, ngăn chặn việc xuất kích của máy bay. Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức lực lượng tiến công chọc thủng tuyến phòng thủ then chốt Du Long để tiếp tục mở đường tiến công giải phóng Phan Rang.

Trên khắp địa bàn tỉnh Ninh Thuận, để cô lập địch tại Phan Rang, lực lượng vũ trang tỉnh và Quân khu 6 đã đánh chiếm và giải phóng khu vực phía Nam tỉnh, cắt nguồn tiếp ứng lực lượng từ Bình Thuận ra bằng đường bộ; đồng thời, trên các hướng khác, lực lượng vũ trang địa phương liên tục tổ chức các đợt tiến công vào các điểm chốt giữ vòng ngoài thị xã, nhằm căng kéo lực lượng tập trung ở hướng Bắc.

Với quyết tâm của Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải là nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng thủ Du Long, 5 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, mở màn trận đánh, pháo binh ta bắn cấp tập vào các điểm chốt giữ của địch tại tuyến phòng thủ ở quận lỵ Du Long. Tiếp theo, các đơn vị bộ binh thuộc Sư đoàn 3 dũng mãnh đánh chiếm các mục tiêu tại quận lỵ Du Long và phát triển dọc đường quốc lộ 1 cùng các khu vực lân cận, các điểm cao 105, 300, Bà Râu, Suối Vang, Suối Ðá… Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên tất cả các mũi, các hướng diễn ra quyết liệt. Bộ binh địch được sự yểm trợ mạnh của phi pháo, không quân dựa vào hệ thống công sự, hầm hào kiên cố, vững chắc và các khu vực địa hình có lợi để ngoan cố chống trả. Sư đoàn 3 phải giành giật từng điểm cao có hại địch đang bố trí hỏa lực khống chế sự tiến công của ta.

Qua một ngày, đêm chiến đấu quyết liệt với địch, Sư đoàn 3 mới đánh chiếm được một số mục tiêu. Tuy nhiên, với lực lượng đông và địch sử dụng tối đa máy bay chi viện cho lực lượng ở Du Long, đánh phá dữ dội vào đội hình Sư đoàn 3 nên gây cho ta những tổn thất về người và vũ khí, phương tiện. Suốt trong hai ngày 14 và 15 tháng 4, địch liên tục sử dụng mọi lực lượng, xe tăng, pháo binh, máy bay các loại tổ chức các đợt phản kích hòng chiếm lại cửa ngõ Du Long, đồng thời tăng cường lực lượng cố thủ ở các tuyến phía sau như: Kiền Kiền, Ba Tháp, Hộ Diêm, An Xuân, Cà Đú với quyết tâm ngăn cản bước tiến của quân ta đến cùng. Ở hướng Tây, Trung đoàn bộ binh 25 được sự phối hợp của lực lượng vũ trang tỉnh và huyện Bác Ái Đông mở đường cơ động vào Tân Mỹ, Phước Trung bí mật, bất ngờ tập kích vào sân bay Thành Sơn, đồng thời kiềm chế sự xuất kích của máy bay địch chi viện cho hướng Du Long, quốc lộ 1.

Trước nguy cơ tuyến phòng thủ Phan Rang thất thủ, ngày 15-4, Trần Văn Ðôn - Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng và Nguyễn Văn Toàn - Tư lệnh Quân đoàn 3 Quân đội Sài Gòn vội vã bay tới Thành Sơn thị sát tình hình và trực tiếp chỉ đạo, khích lệ tinh thần chiến đấu của binh tướng để quyết giữ bằng được Phan Rang. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đề xuất chi viện thêm lực lượng và phương tiện chiến đấu để bổ sung cho tuyến phòng thủ; tuy nhiên, biết không thể có lực lượng để tăng viện và tuyến phòng thủ Phan Rang cũng đang lung lay, sập đổ nên cố động viên Nguyễn Vĩnh Nghi và lên máy bay chuồn thẳng vào Sài Gòn.

Được Tướng Đôn và Toàn lên giây cót, Nguyễn Vĩnh Nghi cùng Bộ Tư lệnh tiền phương vẫn nhóm họp khẩn cấp vào tối ngày 15-4 để bàn kế hoạch phản công chiếm lại các mục tiêu đã mất tại cửa ngõ Du Long. Chúng quyết tâm sử dụng tối đa lực lượng không quân và các trận địa pháo binh yểm trợ cho các đơn vị bộ binh tiến công Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn bộ binh 25 để đánh bật các đơn vị chủ lực của ta ra khỏi khu vực phòng thủ vững chắc của chúng. Tuy nhiên, Tướng Nghi không ngờ rằng, Cánh quân Duyên Hải của ta đã áp sát Ninh Thuận, sẵn sàng đập tan tuyến phòng thủ của chúng.

Đúng 5 giờ ngày 16-4-1975, hàng trăm xe tăng, thiết giáp và xe ô tô chở bộ đội Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) cùng phối hợp với các mũi hướng tiến công của Sư đoàn 3 Sao Vàng được pháo binh bắn yểm trợ, ồ ạt tiến đánh thị xã Phan Rang theo trục đường số 1, địch tan rã hoàn toàn. Tới 9 giờ 30, ta làm chủ thị xã Phan Rang, cảng Tân Thành, Ninh Chử và phát triển đánh chiếm sân bay Thành Sơn.

Với những nỗ lực cuối cùng là dùng tối đa pháo binh và máy bay xuất kích đánh phá ngăn cản bước tiến của ta trên đường số 1, nhưng Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Bộ Tư lệnh tiền phương ngụy cũng không kháng cự nỗi sự đột phá dũng mãnh của đoàn quân ta, với cách đánh táo bạo, thần tốc, quân ta làm chủ hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16 tháng 4 năm 1975 và bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng toàn bộ sĩ quan chỉ huy tuyến phòng thủ Phan Rang – Đánh dấu “lá chắn thép” Phan Rang của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Quân lực Việt Nam cộng hòa hoàn toàn bị tan vỡ.