Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(NTO) Thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với vệ sinh, ăn uống không đúng cách là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cơ thể mắc bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm như: tả, thương hàn, cảm, cúm… Để giúp bạn đọc có thêm kiến thức phòng, chống bệnh trong mùa hè, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với BS.CKI Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

BS.CKI Nguyễn Nhị Linh
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nắng nóng kéo dài, đặc biệt tại một số địa phương xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ, vì vậy ngành Y tế hết sức quan tâm, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa hè. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt xuất huyết là 11 ca, giảm 78%; tay-chân-miệng 78 ca, giảm 75,4%; 56 ca thủy đậu, giảm 76,7% so cùng kỳ.

Phóng viên: Đây là thời điểm mùa hè, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ cao, bác sĩ có lời khuyên gì giúp người dân phòng ngừa?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Với tình hình thời tiết như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên chủ quan, nếu không biết cách chăm sóc tốt cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng là hoàn toàn có thể. Nhiệt độ cao làm thức ăn, đồ uống dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, người dân cần ăn uống hợp vệ sinh, hạn chế tối đa ăn thức ăn đường phố, thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần, rau sống…, đồng thời rửa tay sạch cho mình và con em bằng xà phòng trước, sau khi ăn uống, chế biến thức ăn, đi vệ sinh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... giúp bản thân và những người trong gia đình phòng các bệnh về đường ruột như tả, lị, viêm ruột kết…

Riêng đối với trẻ em, thời điểm này rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, cảm, cúm… để phòng ngừa không nên cho trẻ uống nước đá lạnh, để quạt, hơi lạnh từ máy lạnh phà trực tiếp vào cơ thể trẻ. Hằng ngày vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ; thường xuyên lau chùi nền nhà, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn thông thường; cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; có thể cho trẻ uống các loại nước trái cây nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất, bảo đảm lượng nước cho cơ thể giúp trẻ tăng sức đề kháng, phòng bệnh. Các bà mẹ đặc biệt lưu ý cần theo dõi, đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đẩy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng đủ 8 bệnh cho trẻ.

Ngoài ra, vào mùa hè, do bức xạ nhiệt tăng cao, nóng bức, người dân chú ý khi ra đường, làm việc ngoài trời trong thời gian dài cần có bảo hộ che chắn, nghỉ ngơi phù hợp tránh bị say nắng. Nắng nóng cũng sẽ làm tăng nguy cơ đối với các trường hợp bị bệnh tim mạch, vì vậy các đối tượng này, nhất là người già cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, rèn luyện cơ thể đều đặn để ổn định huyết áp.

Phóng viên: Nhiều nơi trong tỉnh đang xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, ngành Y tế đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã tổ chức đoàn giám sát tình hình dịch tễ, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các thôn xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ: Lương Tri, Nha Hố của xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn); Tham Dú, Đồng Dày, Rã Giữa, Rã Trên của xã Phước Trung (Bác Ái); Suối Le của xã Phước Kháng; Xóm Bằng của xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) và Tân Lang của xã Phước Nam (Thuận Nam). Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải sử dụng nước từ sông, suối, ao, hồ, giếng… không bảo đảm chất lượng. Ngoài lấy mẫu nước để xét nghiệm vi sinh, lý hóa, kiểm tra tiêu chuẩn của nguồn nước, đoàn phối hợp với cán bộ y tế địa phương hướng dẫn cho bà con cách lắng lọc nước thô bằng các phương pháp truyền thống như sử dụng phèn chua, than, cát, đá…; sau đó xử lý nước bằng cloramin để có nước sạch sinh hoạt, ăn uống. Trung tâm cũng đã cung cấp mỗi trạm y tế 10 kg cloramin để khử trùng nguồn nước. Ngoài ra, đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước tại các điểm cung cấp nước tập trung tại các địa phương; chỉ đạo cán bộ y tế tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh. Cơ sở y tế các địa phương chuẩn bị nguồn lực, thuốc men sẵn sáng dung thu người bệnh và chủ động, xử lý tốt khi có dịch bệnh xảy ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!