Tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Sáng 5/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
(Ảnh: BT)

Báo cáo về kết quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản giai đoạn 2011-2015, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, ngành tiếp tục duy trì các chương trình giám sát quốc gia dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể. Đồng thời, từ tháng 8/2015 đã triển khai chương trình giám sát ATTP rau, thịt cung cấp cho TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, số liệu giám sát 9 tháng năm 2015 cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014. Trong đó, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP đã đầy đủ về số lượng, tuy nhiên, mỗi mảng, lĩnh vực đang có quá nhiều văn bản dẫn đến khó tra cứu và áp dụng trong thực tiễn. Tiêu chí VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng còn dàn trải, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp áp dụng và cho cơ quan quản lý hoạt động chứng nhận VietGAP. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo vệ sinh, ATTP đối với chuỗi sản phẩm thực vật, động vật còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sơ chế, chế biến và phương tiện vận chuyển, cơ sở bày bán thịt gia súc, gia cầm.

Thêm vào đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C vẫn còn cao; tỷ lệ cơ sở loại C nâng hạng lên B, A còn thấp. Kết quả giám sát ATTP nông lâm thủy sản trên diện rộng cho thấy việc cải thiện ATTP còn rất chậm, thiếu bền vững và tỷ lệ vi phạm quy định ATTP còn ở mức cao. Các sự cố về ATTP chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng, cung cấp đầy đủ thông tin, gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Nhằm cải thiện tình hình ATTP nông lâm thủy sản trong thời gian tới, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cần chú trọng tới công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản theo hướng tích cực; đơn giản hóa các văn bản quy định hành chính, thủ tục hành chính và quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng, ATTP theo chuỗi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản từ Trung ương tới địa phương. Rà soát, hoàn thiện, phân công, phân cấp cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp cũng như giữa Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để thực hiện hiệu quả đợt phát động cao điểm về ATTP, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương cần chỉ cho người tiêu dùng những địa chỉ tin cậy để mua sản phẩm nông sản, các cơ sở này cần được cấp giấy chứng nhận về sản phẩm từ các cơ quan quản lý Nhà nước; trong đó các địa chỉ có thể là các siêu thị, cửa hàng chuyên dụng bán rau, thực phẩm sạch. Đồng thời, từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, các địa phương cần tổ chức các hội chợ bán sản phẩm nông sản sạch thông qua việc kết nối với các chuỗi, các doanh nghiệp cung ứng những sản phẩm an toàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc đảm bảo ATVSTP là yêu cầu bức thiết của ngành; để tạo ra sự chuyển biến trong công tác này, các Sở, ngành, địa phương cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, đặc biệt liên quan đến vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặt khác, công tác tuyên truyền cần rõ về thời điểm, đối tượng; tăng cường công tác hướng dẫn sản xuất cho những người sản xuất chân chính; thiết lập các kênh phân phối an toàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tìm ra, đấu tranh, triệt phá những đường dây cung cấp các sản phẩm giả, chất cấm cho người chăn nuôi.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam