Lãng mạn bên vịnh Vĩnh Hy

(NTO) Lâu rồi tôi mới có dịp quay lại Vĩnh Hy. Xe bon bon trên con đường nối từ phía Nam thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) vào đến vùng biển Ninh Hải, lòng tôi cứ bồi hồi nhiều cảm xúc khó tả. Nhất là khi qua vịnh Vĩnh Hy, xe đi trên những đoạn đường nhựa uốn lượn như nét cọ bay bỗng đầy cảm hứng của hoạ sĩ tài ba.

Nhiều đoạn, tôi cứ tưởng như đang đi dọc Tây Bắc mà dưới kia sông Đà hùng tráng đã hoá thân vào biển cả; lại có đoạn như đang "phiêu" với Lang biang của xứ thông Đà Lạt. Đôi khi đường len lỏi qua những ghềnh đá cheo leo với vô vàn kiểu dáng lạ kỳ rồi đột ngột hạ thấp như muốn ghé môi hồng hôn những ngọn sóng cần mẫn tung bọt trên triền đá.

Vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Đình Nhi

Như chốn bồng lai

Từ trên đỉnh núi cao gần 600 m so với mặt nước biển, những khúc cua đẹp cho tôi cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và hệ thực vật quý hiếm của Vườn quốc gia Núi Chúa. Đường càng xuống thấp càng dễ xao lòng với nét hoang sơ của bãi biển Bình Tiên, bãi Kinh, vịnh Vĩnh Hy, hang Rái huyền bí... rồi những giàn nho, vườn tỏi của Thái An, cánh đồng muối trắng bạt ngàn… Cảnh sắc như chốn bồng lai. Khen cho ai đã khéo thiết kế con đường không chỉ để tao nhân mặc khách đi mà còn để ngắm no con mắt.

Con đường này mới thông tuyến chưa lâu, nối Quốc lộ 1A tại xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối vẫn giao với Quốc lộ 1A nhưng tại xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), gần ranh giới tỉnh Bình Thuận. Như vậy là với 4.551,3 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, cùng với sự đồng thuận của 1.023 hộ dân (trong đó có 143 hộ dân thuộc thành phố Cam Ranh và 880 hộ thuộc tỉnh Ninh Thuận trong việc phải di dời), Ninh Thuận đã có một con đường xuyên tỉnh, mà là xuyên theo dọc đường bờ biển, dài những 106,4 km.

Ảnh: Đình Nhi

Tôi đang "phiêu" với ý nghĩ chỉ mới ngày nào đây còn ngán ngẩm với việc chạy xe máy từ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ra vịnh Vĩnh Hy, mà đâu mấy chục km chứ mấy, bây giờ đường mở mới đẹp như thế này hiển nhiên biển Ninh Thuận sẽ có muôn vàn vận hội mở ra. Chợt nhớ đến Mỹ, bạn tôi, một nhà kinh doanh du lịch, đang “trụ” ở Ninh Thuận gần cả tháng trời để đăng ký đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn du lịch cao cấp tại thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải). Hôm chia tay nhau ở TP. Hồ Chí Minh, Mỹ quả quyết dù Ninh Thuận chỉ bố trí diện tích 2 ha cho dự án này nhưng bây giờ dọc miền Trung khó tìm ra vùng nào đầu tư tốt bằng ở đây. Mỹ muốn đầu tư vào đây để đón chờ vận hội khi anh tin rằng không bao lâu nữa anh sẽ đưa tôi đi suốt từ Đà Nẵng vào đến Vũng Tàu hoàn toàn bằng đường biển, một sự kết nối từ Tây Nguyên, Nam Bộ, Đông Nam Bộ cũng như miền Bắc và Duyên hải miền Trung, nhất là khi 3 nước Đông Dương đã ký kết thoả ước về liên kết du lịch thì Ninh Thuận sẽ là một trong những điểm hội tụ quan trọng của các tour tuyến.

Không làm du khách hụt hẫng

Tôi không am hiểu gì về kinh doanh du lịch, nhưng tôi biết Mỹ không đùa vì anh rất "máu lửa" với nghề này và thắng thua cũng đã nhiều. Vả lại, tôi tin Mỹ, vì anh có rất nhiều những dữ liệu để tính toán chi tiết cho ý tưởng của mình. Tỷ như việc Mỹ nói tỷ lệ du khách đến Ninh Thuận đang tăng bình quân 16%/năm và riêng trong năm 2015 đón tiếp trên 1,4 triệu lượt khách. Đấy là một con số ấn tượng khi việc đầu tư vào du lịch ở đây chưa nhiều; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch cũng tăng trưởng 15%/năm trong những năm qua là điều mà Mỹ rất lưu ý.

Ảnh: Đình Nhi

Nhớ hồi chưa có con đường Vĩnh Hy, Mỹ và các đồng nghiệp của anh đã đưa tôi lặn lội vào các bản làng của người Kinh, Raglai, Chăm và người Hoa rải rác trong Vườn Quốc gia Núi Chúa, nhất là vùng rẫy cây ăn trái của đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Hình như cùng với việc tìm chỗ đứng ở thị trấn Khánh Hải, Mỹ cùng nhóm bạn đang có một ý tưởng liên kết tour tuyến giữa biển với rừng.

Mà đúng thôi, dù khi được đưa vào danh mục rừng cấm với tên gọi “rừng khô Phan Rang” đủ để nói lên phần nào sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây thì với 6 kiểu rừng khác nhau, mà kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới núi thấp là đặc trưng, Vườn Quốc gia Núi Chúa hẳn sẽ không làm du khách hụt hẫng khi được len lỏi trong 29.865 ha của vườn để sờ tận tay, nhìn tận mắt ít ra là dăm ba loài trong số 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát - lưỡng cư, 1.504 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 5 ngành thực vật khác nhau. Mà nên nhớ động vật ở đây có đến 46 loài cùng với 30 loài thực vật thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Cũng trong diện tích của vườn còn có 350 loài san hô, mà đặc biệt 46 loài san hô là phân loại mới tại Việt Nam.

Ảnh: Đình Nhi

Vậy thì du khách sẽ có lắm hứng thú ngoài việc lang thang trong vương quốc nho hay hành tỏi vốn đã rất nổi tiếng của Ninh Thuận. Biết đâu trong hành trình dừng chân nghỉ dưỡng ở Vĩnh Hy rồi phiêu du trong Vườn Quốc gia Núi Chúa, bạn có thể may mắn có cơ hội nhìn một chú Chà vá chân đen tinh nghịch trên tán cây rừng, một gà tiền mặt đỏ đang thơ thẩn như thi nhân hay một mụ ếch cây Trung bộ. Chà vá chân đen và gà tiền mặt đỏ là hai loài động vật đặc hữu Đông Dương, còn ếch cây Trung bộ là loài đặc hữu Việt Nam. Vậy thì việc gì phải ngần ngại, hãy vác balô nhằm Vĩnh Hy thẳng tiến?