Thế giới trong tuần

1. Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20 chính thức khai mạc hôm 16-6 tại thành phố Saint-Peterburg (Nga) và kéo dài đến 18-6.

Diễn đàn năm nay thu hút hơn 10.000 người, trong đó có khoảng 2.500 đại diện truyền thông, gần 40 chính trị gia, các chuyên gia kinh tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Nga và khoảng 110 quốc gia trên thế giới tham gia sự kiện này.

Với chủ đề “Thời gian hành động: Những nỗ lực chung tiến tới ổn định và tăng trưởng”, theo giới chuyên gia, diễn đàn lần này có thể là cơ hội cho Nga tìm kiếm các đồng minh địa chính trị mới thay cho châu Âu và Mỹ. Đó sẽ là các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nước mới nổi (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Diễn đàn St.Peterburg là sự kiện quốc tế thu hút sự quan tâm của báo chí thế giới, trong bối cảnh 2 năm kể từ khi những sự kiện như bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, căng thẳng Ukraine khiến quan hệ Nga và EU xấu đi dần với hàng loạt những lệnh cấm vận được áp đặt qua lại giữa 2 bên. Theo báo chí Nga và phương Tây, diễn đàn lần này có thể mở đường cho sự tan băng trong quan hệ giữa Nga-châu Âu.

Bloomberg nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin có một thông điệp dành cho Liên minh châu Âu, đó là hãy gạt bỏ những mâu thuẫn phía sau và trở lại với công việc. Hãng thông tấn TASS của Nga ví von Diễn đàn St. Peterburg như là Davos của Nga, tương tự như là Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thụy Sĩ. Các nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ “xem xét lại những gì đã xảy ra giữa mối quan hệ giữa Nga-EU và thậm chí ngay cả trong bối cảnh vẫn tồn tại những khác biệt, tìm cơ hội duy nhất và phát triển đối thoại”. Tờ Thời báo New York nhận định, sau 2 năm dài với sự góp mặt của những nhân vật có tầm ảnh hưởng, Diễn đàn St. Peterburg sẽ là một dấu hiệu cho thấy châu Âu đang dần dần sẵn sàng giảm thiểu những biện pháp trừng phạt kinh tế mà thực sự có tác động tiêu cực tới cả 2 phía.

2. Đúng 1 tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Anh, các kết quả thăm dò cho thấy chiến dịch vận động Anh rời EU (Brexit) đang thắng thế.

Kết quả khảo sát được Thời báo Tài chính (Anh) công bố ngày 16-6 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Anh rời khỏi EU đang ở mức 47%, dẫn trước 3% so với chiến dịch vận động giữ Anh ở lại với 44% số phiếu.

Trong khi đó, theo khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trưởng Ipsos MORI (Anh) thực hiện, số người ủng hộ Anh ra đi lên tới 53%, và 47% số người được hỏi ủng hộ Anh ở lại trong EU.

Các câu hỏi phụ cũng cho thấy người dân Anh đang dần chuyển sang ủng hộ Brexit nhiều hơn do những lo ngại về vấn đề người nhập cư và những đóng góp của Anh cho ngân sách của EU. Trong khi đó, phe phản đối Brexit liên tục đưa ra những cảnh báo về hậu quả kinh tế nếu kịch bản Anh rời khỏi EU thành hiện thực.

Càng gần tới ngày trưng cầu dân ý về Anh đi hay ở lại EU, càng có nhiều tiếng nói ủng hộ và phản đối được đưa ra. Ngày 15-6, Ngoại trưởng Đức và Pháp đã cảnh báo việc Anh rời bỏ mái nhà chung châu Âu có thể làm chao đảo và dẫn tới sự tan rã của EU.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, việc Anh lựa chọn phương án ra đi sẽ không chỉ là việc EU mất đi một thành viên mà là mối đe dọa thực sự cho những gì mà EU dày công gây dựng từ nhiều thập kỷ qua.

Một thông tin liên quan, Nữ nghị sĩ Jo Cox (41 tuổi) thuộc Công đảng đối lập có xu hướng ủng hộ EU đã qua đời do bị bắn và đâm trọng thương khi bà chuẩn bị tổ chức cuộc tiếp dân tại khu vực bầu cử Birstall gần thành phố Leeds. Bà Jo Cox là một trong những nghị sĩ Anh liên tiếp ủng hộ Anh ở lại EU. Sau cái chết của bà Jo Cox, cả hai phe ủng hộ và phản đối Anh rời EU đã thông báo hoãn mọi chiến dịch vận động trong 1 ngày.