Chuyện “ai sướng, ai khổ”

(NTO) Đã sinh ra trên thế gian chẳng ai muốn khổ, vậy nên mỗi người luôn luôn cố gắng làm sao đó để mình được sung sướng. Có điều, tạo hóa như định sẵn, đã là người thì sướng-khổ như hai mặt tồn tại sẵn trong mỗi cá nhân.

Chị kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho rằng dân công sở sướng. Ngày 8 giờ làm việc, nắng không đến chân, mưa không tới đầu, phong thái lịch lãm và đĩnh đạc, ai cũng mê! Mình mang danh bà chủ nhưng chẳng khác gì ô sin. Mưa, nắng, ngày ngày đi đi về về như con thoi dễ đến cả trăm cây số. Nào chuyển hàng cho khách, đến từng hộ chăn nuôi để thu gom tiền bán hàng… Những khi lũ lụt, hạn hán, thời tiết nóng lạnh gây dịch bệnh ảnh hưởng đến chất lượng đàn gia súc, gia cầm thì không chỉ người nuôi, mà mình cũng như ngồi trên đống lửa. Chưa kể, lúc rớt giá người dân bán không được, họ giao đàn gia súc, gia cầm đang nuôi để trừ nợ, bán thì lỗ to, mà tiếp tục nuôi chỉ trông chờ may rủi. Người chăn nuôi ăn nên làm ra thì mình cũng có cái ăn, cái để, ngược lại họ thua lỗ thì bà chủ nguy cơ phá sản là cái chắc. Rồi thống kê kế toán sổ sách, thu hồi vốn, quan hệ khách hàng suốt ngày đêm đeo bám, có khi mất ăn, mất ngủ. Vậy nên, làm nghề kinh doanh khổ-già trước tuổi là cái chắc!?

Cùng suy nghĩ như chị, anh buôn bán phụ tùng xe máy khẳng định, mình cũng từng có thời gian làm cơ quan gần mười năm, đúng là sướng! Có việc thì làm, hết việc thì “nghiên cứu”, đến giờ leo lên xe máy cái rẹt về nhà, khỏi đau đầu suy nghĩ. Đâu như dân kinh doanh, nào hết ông “thuế” hỏi thăm, lại ông thị trường kiểm tra, rồi ông “cơ sở” thăm hỏi, ông vận động đóng góp này nọ, mà ông nào đến cũng phải lo hết. Ai như các vị công sở, oai ra phết, đố ai dám kiểm tra, thăm hỏi.

Chị doanh nhân tỏ vẻ ghen tỵ bởi cùng khu phố có cặp vợ chồng khá trẻ, dân công sở. Nhìn họ hằng ngày chở nhau đi làm trên chiếc xe máy với đứa trẻ nói bi bô ai cũng ngưỡng mộ, khen họ hạnh phúc. Chị đâu có thấy cảnh sáng sáng, chồng bồng con, vợ vừa dỗ dành, vừa đút cho con ăn. Lúc ép bé ăn, cháu nuốt không kịp, khóc phả cả vào mặt mẹ. Có người nhìn cảnh mẹ cho con ăn ái ngại rồi khuyên bảo: Cháu từ từ để bé nuốt, lợi cho tiêu hóa và sức khỏe con trẻ. Bà mẹ trẻ thanh minh: Biết vậy, nhưng thời giờ không cho phép, cháu phải đưa con tới trường mẫu giáo và đến cơ quan đúng giờ làm việc, nếu không sẽ bị cắt thi đua cả năm. Thế sao vợ chồng không thuê người giúp việc chăm bé? Dạ, vợ chồng con không có tiền. Rồi cô kể: Nhiều bữa, tụi cháu như những tay đua xe nghiệp dư bất đắc dĩ. Đường phố vào giờ cao điểm khá đông phương tiện nhưng vợ chồng chạy xe máy có lúc hơn 60 km/h, cũng chỉ tại phải đúng giờ làm việc. Có khi chỉ cách cơ quan chừng mấy trăm mét, mặt, người ngứa ngáy bất chợt rất khó chịu cũng phải quên đi ráng chạy cho kịp giờ. Đó mới chỉ là chuyện nhỏ, còn công việc thì nào thời hạn, thời hiệu, chất lượng được quy định hết sức chặt chẽ và công khai trên mạng điện tử. Ví như, hồ sơ của doanh nghiệp, công dân được tiếp nhận, hẹn trả giờ, ngày nào, người có nhu cầu ở bất cứ đâu lên mạng tra cứu là biết ngay. Nếu xảy ra sai sót hoặc chậm trễ thì người, cơ quan tiếp nhận hồ sơ của dân, doanh nghiệp phải xin lỗi công khai và chịu trách nhiệm. Bởi thế, công việc không chỉ bó trọn 8 giờ ở công sở mà theo bất cứ đâu, thời gian nào nếu chưa hoàn thành. Cũng may, nhờ thời đại kỹ thuật số bùng nổ nên dù ở đâu, lúc nào, với chiếc laptop mọi người đều làm việc được. Vậy nên, dân công sở bề ngoài có vẻ nhàn hạ, lịch lãm nhưng theo thống kê chưa đầy đủ thì họ mắc những bệnh nguy hiểm như tim mạch, dạ dày, đau vai gáy, thoát vị đệm, vôi hóa cốt sống… chiếm tỷ lệ cao.

Chuyện người làm doanh nhân, dân công sở và những người làm công việc khác thì sướng-khổ ra sao họ đều có lý lẽ thuyết phục của riêng mình. Nhưng ai sướng, ai khổ, có lẽ còn ở mục đích của họ, bởi như cổ nhân dạy: Người hạnh phúc nhất là người mang đến cho nhiều người hạnh phúc nhất!